Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Một nốt trầm xao xuyến/Tan biến trong hòa ca.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Coming up ....

(bài của Phụ nữ online)

Tôi đến đây một sớm tháng 9 mùa thu se se lạnh, khi Lund (Thụy Điển) còn ngái ngủ. Đẩy hành lý ra khỏi ga xe lửa, tôi bất động mất vài giây trước một khung cảnh hoàn toàn khác hẳn so với những con đường nhộn nhịp người xe ở Sài Gòn. Trước mắt tôi là những viên đá nhỏ như lòng bàn tay xếp xen kẽ nhau tạo thành những con phố dẫn về mọi ngả, những ngôi nhà cổ kính lẩn khuất dưới màu lá phong đỏ... Phong cảnh đủ để một kẻ khô khan nhất cũng trở thành thi sĩ!


alt
Lund mùa thu – mùa của sinh viên

Cho đến tận bây giờ, khi gót giầy đã đi mòn các ngõ ngách của Lund, tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng đầu tiên khi tôi đến Lund hai năm trước. Khi những chiếc lá vàng đầu tiên của mùa thu bắt đầu bay trên những con đường đá, cũng là lúc sinh viên khắp nơi trên thế giới tụ về đây cho một hành trình gom góp tri thức mới của mình.

alt
Những ngôi nhà của Lund

Trước khi tôi đến Lund, một người bạn ở đây đã viết thư cho tôi thế này: “Cái nơi mà em sẽ trải qua những ngày tháng khó quên trong thời gian tới là một trong những thành phố cổ nhất Thụy Điển với hơn 1000 năm tuổi. Em sẽ thấy những dấu vết thời Trung cổ trên những con đường, những ngôi nhà mà em đi ngang qua. Nhưng ít ai biết rằng Lund của những năm đầu lại thuộc về Đan Mạch…
Em có biết Lund nổi tiếng nhất vì điều gì không? Là vì những người như em đấy. Mỗi năm vào khoảng tháng 9 mùa thu này, Lund nhỏ bé lại đón một số lượng khổng lồ - hơn 35.000 sinh viên khắp nơi trên thế giới về học. Em sẽ thấy khắp nẻo đường là những người trẻ trạc tuổi em với đủ mọi màu da, mọi chủng tộc. Để rồi mỗi mùa hè đến, Lund lại buồn bã chia tay họ, khi hầu hết sinh viên đều về nhà hoặc đi du lịch trong kì nghỉ của mình.” 

Khi chiếc lá thu cuối cùng rơi

Lund thuộc vùng Skane, nằm cách thủ đô Stockholm của Thụy Điển 4 tiếng đồng hồ tàu lửa về phía Nam, và nối với thủ đô Copenhagen của Đan Mạch sau 45 phút vượt cầu Oresund của biển Baltic. Theo tiếng Thụy Điển, Lund có nghĩa là “Khu rừng tế thần” vì từ thời xa xưa các bộ lạc quanh vùng này đã dùng nơi đây làm chỗ thờ tế thần. Được biết đến với tên gọi “Thành phố của sinh viên”, “Thành phố của sự sáng tạo” và “Thành phố ý tưởng”, những công trình đẹp nhất của Lund đều gắn với mục đích học tập.

alt
Quảng trường trung tâm
 
Ngay vị trí trang trọng nhất giữa trung tâm thành phố là tòa nhà màu trắng nổi bật: Đại học Lund. Được thành lập từ năm 1666, đại học Lund là trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở các nước khối Bắc Âu. Các sinh viên theo học ở đây thì lại bầu chọn tòa nhà Thư viện Đại học Lund và IHO (International Housing Office: Văn phòng nhà ở dành cho sinh viên quốc tế) là hai tòa nhà đẹp và lãng mạn nhất. Được xây từ mấy trăm năm trước, cho đến hôm nay hai tòa nhà này vẫn đứng kiêu hãnh với tường quấn dây leo, mái phủ rêu phong, trong một khuôn viên rộng lớn đầy cây xanh và những ghế đá bằng gỗ.


alt
Thư viện Đại học Lund

Mùa thu cũng là lúc diễn ra hàng trăm hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Lund. Sáng thứ bảy và chủ nhật, các buổi biểu diễn tại quảng trường thành phố luôn thu hút đông đảo người dân đứng xem. Cũng tại trung tâm thành phố ngay đó, hai chóp của nhà thờ lớn bình thường màu đen xám bỗng trở nên óng ánh vàng dưới nắng trời. Nhà thờ Lund được xây dựng từ năm 1103, biểu tượng cho sự lâu đời của Lund và cũng là điểm hẹn của sinh viên thành phố.


alt
Nhà thờ Lund rực rỡ dưới nắng thu
Mùa thu Lund còn là mùa của những cơn gió se se lạnh, làm rung rinh những cánh hoa bên đường, làm phất phơ những hạt mưa bụi chưa kịp ngưng và làm lay lay những quả táo đỏ mọng trĩu cành trước sân vườn những căn nhà bạn đi qua. Người dân ở Lund đặc biệt hiếu khách, nên bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy những cái rổ đựng đầy táo đỏ để trước cửa nhà với dòng chữ: “Xin mời tự nhiên thưởng thức”. Ở Lund, mãi đến 9g tối, những tia nắng cuối cùng của mặt trời mùa thu mới tắt, khi ấy sinh viên lại rủ nhau party, ca hát, làm sôi động cả cái thành phố nhỏ xinh này.


alt
Cây táo trĩu quả trước một ngôi nhà

alt
Đường đi học về

Trong những ngày mùa thu ở Lund, hôm nào đường từ trường về nhà của tôi cũng có tiếng lạo xạo của thảm lá vàng dưới chân. Cứ thế, cho đến một ngày, chỉ còn mỗi một chiếc lá mỏng manh cố bám víu lấy cành, mới thấy tiếc nuối khi một năm nữa mới gặp lại mùa thu của Lund

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Phở cũ

Đây là một bát phở loại ấy

1 bát "Phở Hương" 494 Trương Định, Hà Nội

Khác so với những bát "Phở Nam Định" đang phổ biến ở Hà Nội hiện nay, Phở ở hàng phở này mang những điểm khác biệt:

- Bánh phở to.

- Nhiều hạt tiêu.

- Thịt bò xào tái lăn (hoặc chín - tùy khẩu vị), cùng với khá nhiều tỏi.

- Sự khác biệt của nước dùng.

- Cuối cùng, với 1 bát phở này, có cảm giác như thấy đủ chất cho cả 1 ngày làm việc.


Ít nhất thì đã thấy quán phở xuất hiện ở đoạn phố này từ những năm 1980, và vẫn tồn tại cho tới nay.

Ấy là cái thời mà ốm mới được ăn phở, và đi mua phở thì chỉ chăm chăm xin thêm nước dùng.

Bởi nước phở nóng mang về chan với cơm nguội, thì được coi là một món tuyệt cú mèo ! (lưu ý, dứt điểm phải là cơm nguội).

Nhiều người già ở Hà Nội nay vẫn còn giữ thói quen ăn món ấy, chắc cũng chỉ là để nhớ lại kỷ niệm.

Đồn rằng ở Hà Nội, phở nào thì phở, thì đều có xuất xứ từ Nam Định cả.

Nhưng mà vẫn khoái những nét riêng của cái quán phở này.

Ăn vì ngon, cũng là vì thói quen khó bỏ.

Trương Chi.


Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

"Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt....."

Tháng Bảy âm lịch lại về. 

Theo phong tục người Việt, trong ngày rằm tháng này, phía Bắc các gia đình thường làm lễ cúng chúng sinh (trong khi phía Nam vào mùa Vu lan báo hiếu).

Không biết cái lễ cúng chúng sinh ấy được bắt đầu từ bao giờ, có nguồn gốc từ sự tích gì, nhưng đã thành thói quen của nhiều gia đình người dân trên đất Bắc.

Những người già vẫn kể lại rằng vào những ngày thời tiết mưa dầm đặc trưng của tháng Bảy, trong cái se lạnh ướt át của thiên nhiên trời đất, người ta lại nghe thấy như nhẩn nha khe khẽ:

"Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau rụng bạc, lá ngô rụng vàng..."    

Đây là mấy câu mở đầu của bài Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) của Nguyễn Du.

Lại tìm bài văn ấy để đọc. Vẫn là những cảm xúc rợn rợn thương cảm và suy ngẫm...  

Có nhà sư đã giải thích rằng đó không hẳn là một sáng tác của Nguyễn Du. Ông đã "diễn Nôm khoa nghi thí thực (?) của Phật giáo thành bản Văn chiêu hồn" (Thích Nguyên Huyền).

Nhưng có lẽ cũng phải có một tấm lòng rung động khi chứng kiến mỗi kiếp khổ đời người, thì mới viết nên những câu văn như thế, dù rằng văn tế vốn là dùng những lời lẽ thương cảm để bày tỏ xót thương, mong muốn cứu vớt cho linh hồn những kẻ đã khuất.

Thời của cụ Nguyễn Du là chiến tranh loạn lạc và ly tán, mọi số phận con người như chênh vênh và mong manh, từ bậc đế vương đến người hành khất, kẻ anh hùng hoặc người tầm thường, thương nhân hay kỹ nữ, trí thức hay nông dân, chiến sĩ hay giặc cướp .... mỗi người đều một niềm khổ, khi đã nằm xuống....

Mà ngẫm cho cùng cũng chẳng cứ gì thời của cụ Nguyễn Du, đời nào cũng vậy, vẫn những kiếp người mưu sinh toan tính.

Cuộc đời như một trò chơi lớn, bày ra đấy rồi mang về được cái gì...

Nhưng cái ý nghĩa của lòng nhân ái thì vẫn luôn là điều đáng kể. Để rồi trong một năm cũng phải có tiết trời tháng Bảy, con người ta nghĩ nhiều hơn đến lòng nhân ái trong cuộc sống.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Viewers come from..

free counters