Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Một nốt trầm xao xuyến/Tan biến trong hòa ca.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Xăng đã tăng và em biết chăng ?

Quyết định được đưa ra trong đêm, 22 giờ ngày 29/3.

Dường như kế hoạch chấp nhận để giá cả hình thành một mặt bằng mới, sau đó mới tiến hành kiềm chế mặt bằng giá mới này đang được thực hiện.

Một người bạn trong Yahoo list hôm nọ có để dòng Status: "Bản lĩnh đàn ông thời nay là phi thẳng xe vào cây xăng, gạt chân chống và dõng dạc: Đổ đầy bình !"

Những người đang bị tổn thương từ cơn lạm phát bùng phát từ cuối năm ngoái sẽ tiếp tục phải gồng mình chịu trận.

Chưa biết chính sách điều tiết, chia sẻ gánh nặng lạm phát này cho các giới trong xã hội ra sao? Dân nghèo, sinh viên, người làm công ăn lương ... sẽ được hỗ trợ thế nào để qua nổi được cái đận này.

Hay chỉ có tự mình chống chọi mới là lối thoát duy nhất.


........."Bi, đừng sợ !?"


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Hóa ra là động đất

Đang ngồi trong tổ chim làm bài, tự nhiên thấy đầu óc liệng liệng, khoảng 2 pha. Tự nhủ dạo này yếu quá, lại "thiểu năng tuần hoàn não", hoặc do thức đêm nhiều ?

Một lát giải lao online, hóa ra ảnh hưởng động đất.

Giờ đã là 2011, sang năm là cái mốc 2012 của người Maya.

Mong là điều đó đừng có xảy ra, bài hát "Nếu điều đó xảy ra" của Ngọc Châu chẳng có gì hay ho cả.

3 tiếng ở Rạp chiếu phim Quốc gia năm ngoái cho bộ phim "2012" của 2 vợ chồng, cho đến khi bộ phim kết thúc, là 3 tiếng choáng ngợp.

Cái nguyên lý hoạt động của lò vi sóng ấy sẽ còn ám ảnh loài người lắm.

Quy luật Pareto và Dự thảo Luật Thủ đô ?

Quy luật Pareto hay quy luật 80/20 là một quy luật đã trở nên phổ biến, xuất hiện trong thực tế ở mọi lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội...

Tinh thần chính của Quy luật này là việc chỉ ra hiện tượng: trong một tổng thể, sẽ có một nhóm thiểu số trong tổng thể đó giữ vai trò quyết định so với nhóm đa số còn lại của tổng thể, mà trong đó nhóm thiểu số  thường được quy ước là chiếm 20%, nhóm đa số thường được quy ước là chiếm 80% của tổng thể (tham khảo: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%C3%AAn_l%C3%BD_Pareto ). 

Một số ví dụ:

 - Số những người giàu nhất trên thế giới chỉ chiếm 20% dân số của thế giới, song tài sản mà họ nắm giữ lại chiếm tới 80% của cải của thế  giới. Trong khi đó, 80% dân số còn lại của thế giới chỉ nắm giữ 20% của cải thế giới.

- Một nhóm nhỏ khách hàng trên tổng số khách hàng của một doanh nghiệp thường giữ vai trò quyết định tới phần lớn doanh số của doanh nghiệp đó.

- Luôn tồn tại một nhóm nhỏ nhân sự trong một tổ chức mà hoạt động của họ có tác động tới phần lớn hiệu quả hoạt động chung của tổ chức ấy.

- Một nhóm nhỏ hàng hóa lưu kho nhiều khi có giá trị gần bằng tổng giá trị của tất cả hàng hóa trong kho.

- 80% nội dung thông tin của cuốn sách đôi khi được thể hiện ở một vài trang sách của cuốn sách ấy.
...........

Hoàn toàn có thể thấy được quy luật Pareto trong việc phân bổ dân cư ở mỗi quốc gia. Các trung tâm, đô thị lớn của các quốc gia tuy với diện tích nhỏ song luôn có xu hướng thu hút một số lượng lớn dân số tới tập trung sinh sống.

Với Việt Nam thì Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng .... chắc chắn sẽ là nơi thu hút một số lượng lớn số dân cư ấy tới sinh sống.

Vì thế có thể nói việc đề ra biện pháp hành chính nhằm hạn chế  việc di dân tới thủ đô hay các thành phố trung tâm lớn là điều trái với quy luật, mà chưa cần bàn tới những vấn đề bất hợp lý khác của chính sách hạn chế ấy.

Tác giả bài này đồng tình với ý kiến cho rằng thay vì bàn bạc tới việc sử dụng biện pháp hành chính nhằm hạn chế hoạt động di dân, nhập cư tới các trung tâm, đô thị lớn (kiểu như xây dựng dự thảo Luật Thủ đô), thì cần quan tâm đến việc xây dựng chính sách để có thể một mặt đảm bảo đời sống cho cư dân tại các trung tâm, đô thị, mặt khác tạo cơ hội cho tất cả người dân có thể thực hiện được nhu cầu di chuyển tới sinh sống và làm việc tại các khu vực trung tâm.

Bởi nhu cầu được phát triển bản thân của con người luôn là nhu cầu chính đáng.

Vấn đề còn lại là khi đã cùng được thụ hưởng chính sách tạo cơ hội phát triển như nhau, với năng lực và nhu cầu của mình, người dân sẽ quyết định lựa chọn nơi cư trú và sinh sống phù hợp.


Như vậy, trong quản lý việc nắm được các quy luật luôn là điều quan trọng.

Đôi khi chỉ là để giảm đi những việc làm không cần thiết!

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Hiện tượng kinh tế VN thời điểm hiện tại

Muốn thấy điều gì đang xảy ra với nền kinh tế trong thời điểm hiện tại, cần bắt đầu bằng thông tin về việc tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về "những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội".

Như vậy là có thể thấy rằng, Chính phủ đã chính thức thừa nhận lạm phát đang gây ra tác động xấu cho xã hội, và việc cần làm là phải kiểm soát lạm phát.

Lạm phát thường được hiểu là sự mất giá đồng tiền quốc gia, khiến giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống xã hội và gây đình trệ hoạt động sản xuất (do giá nguyên liệu và sử dụng vốn đầu vào tăng cao). Ở nước ta lạm phát đang diễn ra khiến dân nghèo, người làm công ăn lương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc khối tư nhân .... phải nếm mùi khó khăn. Người dân đang phải chi nhiều VND hơn cho cùng một loại nguyên liệu, hàng hóa và dịch vụ cần cho sản xuất và tiêu dùng hàng ngày. Những bác có của thì tìm cách chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, kim loại quý (như vàng) hoặc tài sản có giá khác (như bất động sản) để giữ lấy giá trị tài sản của mình. Điều ấy càng tác động vào sự mất giá của VND, đẩy giá cả nguyên liệu, hàng hóa và dịch vụ lên cao thêm.

Lạm phát là vấn đề của kinh tế vĩ mô, mà quản lý kinh tế vĩ mô là vai trò của Nhà nước. Như vậy Nhà nước, cụ thể là Chính phủ, là những bác phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc để xảy ra lạm phát.

Khách quan mà nói, trong bối cảnh hiện nay thì tình hình thế giới cũng đang có tác động xấu đến Việt Nam, góp phần làm cho giá cả trở nên đắt đỏ. Giá dầu và giá vàng thế giới thời điểm này đang ở mức cao (những bất ổn về chính trị trong nước của mấy bác xuất khẩu dầu mỏ khiến người ta sợ nguồn dầu không được cung ứng ổn định, kéo giá dầu tăng; những bất ổn của kinh tế thế giới mấy năm vừa qua khiến người ta quay ra trú ẩn vào việc nắm giữ vàng, kéo giá vàng tăng). Việt Nam đã hội nhập với thế giới, quy luật "bình thông nhau" khiến Việt Nam cũng chịu những tác động này. Khi giá năng lượng đầu vào (xăng dầu, điện...) tăng cao, sẽ đẩy giá đầu ra tăng theo. Khi giá vàng tăng cao, người cung cấp có xu hướng neo giá hàng hóa dịch vụ theo giá vàng để giữ lấy giá trị thu nhập của mình, điều ấy cũng khiến giá cả thị trường tăng theo (cái này có được các bác Chính phủ nêu tại Nghị quyết 11 ở trên).

Còn về vai trò điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thì cũng tại Nghị quyết  số 11, các bác Chính phủ đã "thanh minh" rằng: do phải "nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế", thành ra (có thể hiểu) là các bác đã chấp nhận để xảy ra lạm phát trong thời gian trước đây. Ở đây có thể hiểu chính sách tiền tệ nôm na là sự tăng hay giảm lượng tiền lưu thông trong xã hội (thông qua công cụ lãi suất ngân hàng), chính sách tài khóa nôm na là sự tăng hay giảm đầu tư, chi tiêu công và tăng hay giảm thuế của Chính phủ. Túm lại 2 chính sách này đều được sử dụng làm công cụ để bơm hay hút tiền trong nền kinh tế. Việc "nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế" thời gian trước đây nghĩa là các bác Chính phủ muốn nới lỏng việc cho vay vốn, rồi tăng cường đầu tư, chi tiêu công ... để nhằm mục đích bơm tiền cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trong xã hội, kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, lượng tiền được bơm ra xã hội sẽ nhiều hơn, hệ quả là sẽ gây ra lạm phát ở mức độ nào đó. Nếu điều hành tốt, ở trạng thái lý tưởng thì tăng trưởng sẽ vượt trên lạm phát, đồng thời lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Như vậy, ý đồ của các bác Chính phủ trước đó là chấp nhận lạm phát để có được sự tăng trưởng.

Nay các bác Chính phủ đã phải quay sang ưu tiên kiểm soát lạm phát, đề ra chính sách an sinh nhằm xoa dịu xã hội. Như thế nghĩa là các bác đã chấp nhận hi sinh mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, hay có thể nói, mục tiêu tăng trưởng đang tạm thời không phải là ưu tiên số một.

Vậy là các bác Chính phủ đã gặp phải vấn đề trong việc bơm tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng trong thời gian trước đây.

Có lẽ các đối tượng được bơm tiền đã không hấp thụ, đã không "tiêu hóa" tốt nguồn vốn, nhằm chuyển hóa hiệu quả nguồn vốn ấy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế đất nước.

Thế là tiền đã không đẻ ra tiền...

Ngược lại, tiền đã gây ra lạm phát...

Vậy ai là người đã được ưu đãi sử dụng những đồng tiền ấy mà không mang lại hiệu quả cho đất nước.... Cái này các bác Chính phủ hiểu rõ nhất.

Dân nhiều người cũng hiểu, nhưng dân không nắm quyền điều hành kinh tế.

Thôi thì mong cái vận số của đất nước nó sáng sủa, dân hết lòng vì nước, nước sáng suốt vì dân, thì mới đỡ khổ, mới mở mày mở mặt lên được.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Viewers come from..

free counters