(Toàn bộ bài viết lấy từ nguồn: quangbinhtre.com)
THINK TANK, MỘT LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP ĐẶC BIỆT
Người ta cho
rằng, tỷ lệ quyết sách sai lầm tại các nước phát triển ở phương Tây khá thấp,
đó là do phương Tây tận dụng được các Think Tank, một loại hình tổ chức có tính
chất tư vấn hiến kế cho tầng lớp lãnh đạo quốc gia.
Think Tank là gì?
Think Tank
là tên gọi một loại hình tổ chức tập họp các chuyên viên nhiều chuyên ngành
nhằm nghiên cứu các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao... ,
cuối cùng đưa ra các lý thuyết, sách lược, ý tưởng, giải pháp... có tính chất
tư vấn hiến kế cho tầng lớp lãnh đạo quốc gia.
Franklin
Collbohm, sáng lập viên công ty RAND (Think
Tank xếp hạng thứ 4 ở Mỹ, có 1600 nhân viên), định nghĩa Think Tank là “Nhà máy
ý tưởng”, là trung tâm tư tưởng chiến lược dám thách thức và coi thường mọi uy
quyền, dám vượt qua mọi trí tuệ hiện có. Theo định
nghĩa chặt chẽ thì Think Tank là tổ chức dân lập, hoạt động độc lập với chính
quyền. Think Tank không nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội hoặc thiên
nhiên mà tập trung nghiên cứu hình thành các giải pháp, quyết sách có
tính khả thi nhằm đối phó tình hình trong một thời kỳ nhất định. Các kết quả này thông thường
được công bố trên các ấn phẩm, các phương tiện truyền thông và các hình thức
trao đổi thông tin khác nhằm tranh thủ sự tán thành của công chúng và sự chú ý
của lãnh đạo quốc gia.
Chức năng chính của Think Tank là: - đề xuất ý tưởng; - giáo dục, hướng dẫn dư luận; - tập hợp nhân tài.
Trong tiếng Anh Think là suy nghĩ, ý nghĩ, ý tưởng, tư tưởng, Tank là cái thùng (bồn, vựa, chậu), còn có nghĩa là xe tăng.
Trung Quốc dịch Think Tank là Túi tri thức (“trí nang đoàn”) hoặc Kho trí thức (“trí khố”). Ở ta
có người dịch là “Kho Tư tưởng (Ý tưởng)”, “Kho Trí tuệ (Trí thức)”, “Vựa (Bồn)
Trí tuệ”, “Nhóm chuyên viên (hoặc Tổ chức) tư vấn”... Nhận thấy tất cả các từ
dịch kể trên đều chưa quen với bạn đọc và hơi dài, vả lại hiện chưa có một từ
Việt tương đương được nhất trí thừa nhận, cho nên chúng tôi xin tạm dùng Think
Tank như một danh từ tiếng Việt (viết hoa, không có số nhiều). Người Nhật cũng
dùng nguyên từ Think Tank phiên âm ra tiếng Nhật.
Tình hình
Think Tank trên thế giới
Think Tank xuất
hiện ở phương Tây đã lâu, nhưng ở Việt Nam thì khái niệm này còn mới lạ,
vì thế thiết nghĩ việc giới thiệu về Think Tank là cần thiết. Theo một
báo cáo công bố đầu năm 2009 của ĐH Pennsylvania, kết quả điều tra 169 nước
trên thế giới năm 2008 có tổng cộng 5.465 Think Tank; trong đó Bắc Mỹ và Tây Âu
có 3080 (chiếm 56,35%, riêng Bắc Mỹ có 1872), châu Á có 653 (11,95%), Đông Âu
có 514, châu Mỹ La-tinh và vùng Caribe – 538, châu Phi vùng hạ Sahara – 424,
Trung Đông và Bắc Phi – 218, châu Đại dương – 38.
Nước có nhiều Think Tank nhất là Mỹ – 1.777, rồi đến Anh –
253, Đức – 186. Tại châu Á, Ấn Độ có nhiều Think Tank nhất – 121, thứ nhì là
Nhật – 105. Theo báo cáo trên, Trung Quốc hiện có 74 Think Tank theo nghĩa
rộng; nhưng các học giả Trung Quốc đánh giá nước họ thực sự chưa có Think Tank
đúng nghĩa.
Xếp hạng các
Think Tank trên thế giới
Dưới đây là một số trích dẫn bảng xếp hạng các Think Tank
toàn cầu [1]. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi để nguyên tên tiếng Anh không
dịch.
Xếp hạng Top 10
Think Tank của Mỹ như sau:
1. Brookings
Institution
2. Carnegie Endowment for
International Peace
3. Rand Corporation
5. Heritage Foundation
6. Woodrow Wilson International
Center for Scholars
7. Center for Strategic & International Studies
8. American
Enterprise Institute
9. Cato Institute
10. Hoover Institution
Xếp hạng Top 10
Think Tank của các nước ngoài Mỹ như sau:
1. Chatham House (tức Royal Institute of International Affairs, thành lập năm 1920 tại Anh)
1. Chatham House (tức Royal Institute of International Affairs, thành lập năm 1920 tại Anh)
2. International Institute for Strategic Studies (Anh)
3. Stockholm International Peace Research Institute (Thụy Điển)
4. Overseas Development Institute (Anh)
3. Stockholm International Peace Research Institute (Thụy Điển)
4. Overseas Development Institute (Anh)
5. Centre for
European Policy Studies (Bỉ)
6. Transparency International (Đức)
7. German Council
on Foreign Relations (Đức)
8. German Institute for International and Security Affairs (Đức)
9. French
Institute of International Relations (Pháp)
10. Adam Smith Institute (Anh)
Xếp hạng Top 5
Think Tank của châu Á:
1. Chinese Academy of Social Sciences (Viện Khoa
học xã hội Trung Quốc)
2. Japan
Institute of International Affairs (Nhật)
3. Institute for
Defence Studies and Analyses (Ấn Độ)
4. Centre for
Strategic and International Studies (Indonesia )
5. Institute for
International Policy Studies (Nhật)
Xếp hạng Top 5 Think Tank thuộc lĩnh vực an ninh và quan hệ quốc
tế:
1.
Brookings Institution (Mỹ)
2. Chatham
House (Anh)
3.
Carnegie Endowment for International Peace (Mỹ)
4. Council on Foreign Relations (Mỹ)
5.
International Institute for Strategic Studies (Anh)
Xếp hạng Top 5
Think Tank thuộc lĩnh vực phát triển quốc tế:
1.
Brookings Institution (Mỹ)
2.
Overseas Development Institute (Anh)
3.
Council on Foreign Relations (Mỹ)
4. Rand Corporation (Mỹ)
5.
Woodrow Wilson International
Center for Scholars (Mỹ)
Xếp hạng Top 5 Think Tank thuộc lĩnh vực chính sách kinh tế quốc
tế:
1.
Brookings Institution (Mỹ)
2.
Peterson Institute for International Economics (Mỹ)
3.
Fraser Institute (Canada )
4. National Bureau of Economic Research (Mỹ)
5.
Adam Smith Institute (Anh)
Có thể thấy Viện Brookings đứng đầu cả 3 nhóm nói trên. Viện này thành
lập năm 1916, có ngân sách năm 60,7 triệu USD, chuyên nghiên cứu về chính sách
đối ngoại và vấn đề Trung Đông. Một số nhân vật tiêu biểu của Viện như Strobe
Talbott (từng là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ), Kenneth Pollact, Alice Rivlin.
Think Tank có quy
mô lớn nhất là Công ty Rand, với 1.600 nhân viên, ngân sách 251 triệu USD,
chuyên nghiên cứu chiến lược quân sự, các vấn đề kinh tế chính trị. Một số nhân
vật tiêu biểu của Rand là James Dobbins,
Gregory Treverton, William Overholt.
Mỹ là nước có hệ thống
Think Tank phát triển nhanh nhất thế giới, từ 1980 tới nay số Think Tank nước
này tăng gấp đôi. Riêng tại Washington
đã có trụ sở của khoảng 350 Think Tank, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Tại
thủ đô Mỹ có một đường phố tập trung rất nhiều Think Tank. Từ thập niên 70 trở
đi không chính khách nào có ý định làm chủ Nhà Trắng mà không nhờ vả một Think
Tank làm tư vấn. Vì vậy sau khi tân Tổng thống nhậm chức, không ít cán bộ của
Think Tank đó được giao các trọng trách trong chính phủ. Khi Tổng thống hết
nhiệm kỳ, họ lại về Think Tank cũ làm việc. Vì thế các Think Tank nghiễm nhiên
trở thành nơi tập hợp nhân tài, chính khách. Think Tank rất cần cộng tác viên
và bạn đọc. Chẳng hạn nếu bạn vào website của Think Tank STRATFOR, họ sẽ liên
tục gửi bài cho bạn. Người sáng lập và lãnh đạo STRATFOR là George Friedman mới
đây đưa ra một dự báo thế giới thế kỷ XXI rất độc đáo (coi Nhật, chứ không phải
Trung Quốc, là đối thủ số 1 của Mỹ ở châu Á...).
Tại sao
cần Think Tank?
Think Tank xuất
hiện là do nhu cầu của thời đại.
Thời đại càng tiến lên, các vấn đề cần xử lý ngày một nhiều, tới mức hệ thống
nghiên cứu-tư vấn của nhà nước không thể xử lý hết. Thực tế cho thấy hệ thống
này thường có mặt hạn chế, chủ yếu do bị chi phối bởi quan điểm của nhà nước nên
thiếu tính khách quan. Ngoài ra sự phát triển tất yếu của xã hội dân sự dẫn tới
xu hướng “chính phủ nhỏ, xã hội lớn” dần dần thay thế bộ máy nhà nước cồng kềnh
kém hiệu quả. Theo đà phát triển kinh tế và giáo dục, hệ thống doanh nghiệp,
trường đại học và giới trí thức ngày càng lớn mạnh, trong xã hội tự xuất hiện
nhiều cá nhân và đoàn thể có nguyện vọng cải tiến các quyết sách của đất nước. Có người
nói Công ty Đông Ấn [2] do người Hà Lan Cornelis de Houtman thành lập năm 1602
vừa là công ty xuyên quốc gia đầu tiên vừa là Think Tank đầu tiên trên thế giới
nghiên cứu đưa ra phương thức độc quyền thương mại giúp Hà Lan khai thác hệ
thống thuộc địa. Từ sau Thế
chiến II, giới trí thức phương Tây nhận thấy trong thời đại cạnh tranh toàn
cầu, mỗi quốc gia muốn tiến nhanh thì phải hết sức hạn chế các
quyết sách sai lầm. Thế
nhưng không chính phủ nào tránh được sai lầm trong khi đưa ra các quyết định
chiến lược trên mọi lĩnh vực. Nguyên nhân gây ra sai lầm là do sự chủ quan,
thiếu toàn diện của cơ quan quyết sách (ban lãnh đạo và các cơ quan nghiên
cứu-tư vấn của họ). Nếu biết tranh thủ nghe ngóng, tiếp thu ý kiến tư vấn của
bên thứ ba – các cá nhân hoặc tổ chức tư vấn độc lập với nhà nước (tức Think
Tank), thì mức độ phạm sai lầm sẽ giảm đáng kể.
Xã hội phương Tây
từ rất sớm đã có nhiều cá nhân (điển hình là giáo sư các trường đại học) hoặc
tổ chức, đoàn thể tiến hành nghiên cứu các vấn đề chiến lược của nước mình hoặc
thế giới; do độc lập với nhà nước nên họ có khả năng xem xét vấn đề một cách khách
quan, toàn diện và đưa ra các giải pháp, chủ trương hợp lý. Chính vì thế, từ
sau Thế chiến II, các Think Tank bắt đầu mọc lên như nấm ở phương Tây; trong
thực tế các tổ chức này đã có ảnh hưởng rất quan trọng tới việc ấn định các
quyết sách của nhà nước hoặc chính đảng, của các ứng viên nghị sĩ quốc hội hoặc
ứng viên Tổng thống. Do thấy được lợi ích to lớn của các tổ chức này nên chính
phủ và doanh nghiệp, kể cả các đoàn thể xã hội và cá nhân đã ra sức khuyến
khích thành lập và cung cấp kinh phí cho các Think Tank.
Nước Mỹ dựng nước
mới hơn 200 năm đã trở thành cường quốc số một thế giới về mọi mặt, điều đó
chứng tỏ họ rất ít mắc các sai lầm chiến lược lớn. Ở đây có một nguyên nhân là
lãnh đạo nước này xưa nay bao giờ cũng chú ý lắng nghe ý kiến của dân, nhất là
các nhà trí thức độc lập với chính phủ. Hệ thống Think Tank ở Mỹ phát triển
nhanh nhất, mạnh nhất đã góp phần cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng các chủ
trương chiến lược lớn của nước này.
Giáo sư Mao Chiêu Huy ở Học viện
Quản lý công (thuộc trường ĐH Nhân dân Trung Quốc) nhận xét: tỷ lệ quyết sách
sai lầm của Trung Quốc là 30%, còn tại các nước phát triển ở phương Tây tỷ lệ
này chỉ có khoảng 5%, đó là do phương Tây ra sức tận dụng các Think Tank.
Chủ tịch Quốc hội
Trung Quốc Ngô Bang Quốc nói lãng phí lớn nhất của Trung Quốc là do các sai lầm
quyết sách chiến lược gây ra. Thực tế cho thấy các chiến lược “Đại Nhảy Vọt”,
“Công xã nhân dân” cuối thập niên 50 đã dẫn tới hậu quả nền kinh tế Trung Quốc
suy sụp, hàng chục triệu dân “chết không bình thường”, nói trắng ra là chết đói
vì nông dân phải đi “luyện gang thép” và làm các “công trình hinh ảnh” mà bỏ
mặc ruộng đồng không ai làm. Ngân hàng Thế giới đánh giá trong thời gian kế
hoạch 5 năm lần thứ 7 đến kế hoạch 5 năm lần thứ 9, các sai lầm về quyết sách
đầu tư của Trung Quốc gây thiệt hại kinh tế ước khoảng từ 400 đến 500 tỷ Nhân
dân tệ.
Hầu hết các sai
lầm đó là do lãnh đạo cao nhất gây ra. Họ xem xét mọi vấn đề theo cảm tính cá
nhân, thích cái gì thì “quyết”, bản thân suy nghĩ trong vài ngày là xong, không
giao cho một cơ quan tư vấn nào nghiên cứu, cũng không hỏi ý kiến các nhà
chuyên môn, hoặc có hỏi nhưng giới chuyên môn sợ mất lòng cấp trên nên không
dám nói thật. Điển hình nhất là “Thời gian biểu vượt Anh đuổi Mỹ” do Mao Trạch
Đông đưa ra: ngày 15/4/1958 ông nói Trung Quốc cần “10 năm đuổi kịp Anh, 20 năm
đuổi kịp Mỹ”; một tháng sau ông quyết định “7 năm đuổi kịp Anh, thêm 8~10 năm
nữa đuổi kịp Mỹ”; ngày 22/6/1958 ông lại quyết: “2~3 năm đuổi kịp Anh”.
Từ ngày cải cách mở cửa, lãnh đạo Trung Quốc đã hết sức quan tâm
xây dựng các Think Tank và thường xuyên lắng nghe ý kiến của họ. Sự quan tâm đó
thể hiện ở chỗ Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới đứng ra tổ chức Hội
nghị thượng đỉnh Think Tank toàn cầu 2009.
Việt Nam ta
từng có một số quyết sách sai lầm trên một số mặt, nhưng đáng tiếc là vấn đề
này chưa được cơ quan nào nghiên cứu, thống kê, phân tích và công bố, trong khi
ta lại nói quá nhiều về những thành tựu. Cách làm này chỉ làm cùn trí tuệ của
các nhà hoạch định chiến lược và lãng phí trí tuệ xã hội. Gần đây dư luận đã
bắt đầu lên tiếng tuy còn dè dặt về một số chủ trương kinh tế đã hoặc sẽ gây
thiệt hại. Cho dù ta còn chưa có Think Tank đúng nghĩa, nhưng thử hỏi hệ thống
cơ quan nghiên cứu nhà nước (các viện nghiên cứu kinh tế, trường đại học...) đã
có vai trò gì trong việc đưa ra những quyết sách kinh tế lớn. Nếu biết tận dụng
hệ thống cơ quan tư vấn và biết coi trọng xây dựng hệ thống Think Tank thì chắc
chắn đã có thể tránh được nhiều sai lầm đáng tiếc.
Đầu thập niên 50 thế
kỷ XX, trước khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên, một Think Tank nổi tiếng ở Mỹ
là Công ty RAND khi nghiên cứu vấn đề “Trung Quốc có thể đưa quân sang Triều
Tiên hay không” đã đi tới kết luận Trung Quốc sẽ đưa quân sang giúp Triều Tiên
chống Mỹ. RAND rao bán bản báo cáo nghiên cứu này cho Phòng Nghiên cứu chính
sách Trung Quốc của chính phủ Mỹ với giá 2 triệu đô-la (bằng giá một máy bay
chiến đấu hồi ấy), nhưng bị từ chối. Sau đấy quả nhiên Trung Quốc đưa Quân Chí
nguyện sang Triều Tiên; phía Mỹ do không có chuẩn bị trước về vấn đề này nên bị
thiệt hại lớn. Tư lệnh quân đội Mỹ trên chiến trường Triều Tiên là MacArthur
lúc này mới thấy hối tiếc là đã bỏ mất một quyết sách quý giá được RAND nghiên cứu chu đáo, có cơ sở thực tế.
----
[1] Xem: Tạp chí Foreign Policy số tháng 1 và 2/2009 (bài của James
McGann Phó Giám đốc Chương trình Quan hệ quốc tế ĐH Pennsylvania và Giám đốc Chương trình Think
Tank và xã hội dân sự). Có tham khảo thêm: http://www.upenn.edu Penn Research
Ranks World’s Best Think Tanks; http://www.foreignpolicy.com The Think Tank
Index, và một số website khác.
[2] Dutch East India Company (tên đầy đủ Dutch United East India
Com., tiếng Hà Lan Vereenig de Oostindische Compagnie, viết tắt VOC), lập 1602,
giải tán 1799, là công ty tư nhân lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới
đương thời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét