THỬ BÀN VỀ SỨC MẠNH CỦA TRUNG QUỐC
VIT - Năm nay Trung
Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ. Sách "Giấc mơ Trung
Quốc" nói Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số 1 toàn cầu, sẽ lãnh đạo
thế giới. Hải quân Trung Quốc với chương trình “Biển xanh” (Lam thuỷ) đang vươn
ra phía Đông và phía Nam ,
gây lo ngại cho các nước liên quan... Vậy sức mạnh thực tế của Trung Quốc như
thế nào, có phải cũng là thứ hai thế giới hay không? Đây là một vấn đề được
nhiều bạn đọc quan tâm.
A. Đánh giá sức mạnh quốc gia
Từ giữa thế kỷ XX các think-tank (tức tổ chức tư vấn, của tư nhân hoặc
của nhà nước) phương Tây bắt đầu quan tâm điều tra nghiên cứu đánh giá và xếp
hạng các nước lớn theo tiêu chí sức mạnh quốc gia hoặc sức mạnh tổng hợp của
quốc gia (Comprehensive
National Power, CNP).
Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, việc đánh giá và xếp hạng một
nhóm người, nhóm đơn vị (công ty, doanh nghiệp ...), nhóm quốc gia theo tiêu
chí nào đó đã trở nên rất quan trọng, và được dư luận quan tâm. Thí dụ hàng năm
các tạp chí lớn thường lập bảng danh sách người giàu nhất hoặc người có ảnh
hưởng lớn đối với một nước hoặc với thế giới, bảng xếp hạng các công ty ...
Việc xếp hạng các quốc gia theo tiêu chí nhân quyền, tự do tôn giáo, tham nhũng
... thường gây tranh cãi lớn, chính phủ nước bị xếp hạng xấu thường phản ứng
kịch liệt.
Sức mạnh cứng: Sức mạnh quốc gia gồm phần cứng và phần mềm. Phần
cứng (phần hữu hình) còn gọi là sức mạnh cứng chủ yếu gồm: - lãnh thổ (vị trí địa
lý của quốc gia, tính quan trọng về giao thông, quân sự quốc tế; diện tích; địa
hình, địa mạo); - tài nguyên thiên nhiên (đất đai, rừng, biển, nguồn nước, khoáng
sản ...); - dân số (số lượng và chất lượng dân, cấu trúc dân cư như giới tính,
độ tuổi bình quân, dân tộc, tôn giáo ...); - kinh tế, chủ yếu là GDP và cơ cấu
kinh tế (tỷ lệ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp nặng, công nghiệp
quân sự ...); - cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xây
dựng đô thị; - khoa học kỹ thuật; - giáo dục v.v...
Sức mạnh mềm: Phần mềm (phần vô hình) gồm: - chính quyền (có
đại diện đa số dân, có hợp lòng dân, có thực hiện dân chủ, tự do, pháp trị, có
tham nhũng ... hay không); - quan hệ đối ngoại với đa số các nước khác, cống
hiến quốc tế; - văn hoá v.v... Phần mềm này hiện nay thường được thay
bằng khái niệm sức mạnh mềm, tức khả năng một quốc gia đạt được các
mục tiêu của mình thông qua sự hấp dẫn một cách tự nhiên (thay vì ép buộc hoặc
dụ dỗ) đối với các quốc gia hoặc dân tộc khác. Nói cụ thể, đó là sức hấp dẫn về
văn hoá, chính trị, nghệ thuật, giá trị quan, sức cảm hoá và hấp dẫn của chế độ
xã hội ...Thí dụ bạn thích đọc tiểu thuyết nước nào, thích xem phim nước nào,
thích hát hoặc nghe bài hát nước nào, thích nghe hoặc chơi nhạc nước nào, hoặc
bạn thích đọc báo, lấy thông tin từ nước nào, bạn tin vào quan điểm của báo chí
nước nào trước một vấn đề thời sự phức tạp ... có nghĩa là nước ấy có sức thu
hút bạn
Khái niệm sức mạnh mềm do Joseph Nye giáo sư ĐH Harvard đề xuất và
phát triển từ đầu thập niên 90, tới nay đã nhận được sự tán đồng rộng rãi của
nhiều học giả, nhiều nước. Chính quyền các nước đều hết sức coi trọng xây dựng,
khai thác, phát huy, tận dụng sức mạnh mềm của nước mình nhằm tăng năng lực
cạnh tranh về mọi mặt của quốc gia.
Các thinhk-tank thường nghiên cứu đánh giá sức mạnh quốc gia theo
tiêu chuẩn và cách tính do họ đặt ra, nguồn tư liệu sử dụng cũng khác nhau, vì
thế kết quả đánh giá xếp hạng thường khác nhau và chỉ có giá trị tham khảo; ta
chỉ nên dựa vào kết quả của các think-tank có uy tín.
Phương trình sức mạnh quốc gia: Có nhiều cách tính sức mạnh quốc gia.
Đáng chú ý hơn cả có phương trình sức mạnh quốc gia của Ray Cline (Ray
Cline’s national power equation) đưa ra năm 1975, có mô tả toán học là tích số
của sức mạnh vật chất với sức mạnh tinh thần:
P = (C+E+M) × (S+W)
trong đó P là sức mạnh quốc gia hiện có (chứ không phải tiềm lực);
C (Critical Mass) là khối lượng tới hạn (thực thể cơ bản); E (Economic
Capability) là sức mạnh kinh tế; M (Military Capability) là sức mạnh quân sự; S
(Strategic Purpose) là mục tiêu chiến lược, tức sức mạnh tinh thần; W (Will to
Pursue National Strategy) là ý chí theo đuổi chiến lược quốc gia.
Cline cho rằng mấy yếu tố quan trọng nhất của
sức mạnh quốc gia là lãnh thổ, số dân, sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học kỹ
thuật.
Ý tưởng này về sau đã được nhiều think-tank dùng để tính toán sức
mạnh quốc gia. Các học giả Trung Quốc cũng đưa ra nhiều cách tính cụ thể, đều
có xét tới các yếu tố cơ bản nói trên.
B. Kết quả đánh giá và xếp hạng sức mạnh quốc gia
1. Kết quả nghiên cứu điều tra của Quỹ Tự do và Hạnh phúc Hansun
(Hansun Foundation for Freedom & Happiness, của Hàn Quốc) công bố tháng
8/2009.
Đối tượng nghiên cứu là 20 nước công nghiệp. Các chỉ số sức mạnh
tổng hợp của mỗi quốc gia được xem xét và cho điểm theo 7 phạm trù sức
mạnh cứng: - nguồn tài nguyên cơ bản (đất đai và số dân), - quốc phòng, - kinh
tế, - khoa học kỹ thuật, - giáo dục, - thông tin (information), - quản lý môi
trường và 6 phạm trù sức mạnh mềm: - chính quyền, - chính sách, - ngoại giao, -
văn hóa, - vốn xã hội, - phản ứng với các biến đổi vĩ mô. Từ đó cho điểm sức mạnh tổng hợp từng
quốc gia theo khung tối đa 100 điểm. Tuy
khủng hoảng tài chính nhưng Mỹ vẫn xếp thứ nhất (69,15 điểm), đứng đầu 9 trong
13 phạm trù được xét, vượt xa các nước khác. Do đông dân, đất rộng và giàu tài
nguyên mà Trung Quốc xếp thứ hai về sức
mạnh tổng hợp (54,73 điểm); riêng phạm trù chính trị, văn hóa và vốn xã hội thì
xếp thứ nhất. Những
nước có sức mạnh tổng hợp trên 50 điểm là: Nhật (53,45), Anh (53,05), Đức
(52,92), Pháp (52,16). Riêng Hàn Quốc xếp thứ 13 với 48,56 điểm.
2. Kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc
(think-tank lớn nhất Trung Quốc hiện nay) công bố ngày 24/12/2009 trong “Sách
Vàng Tình hình quốc tế năm 2010”. Đây
là một công trình nghiên cứu công phu của tập thể đông đảo cán bộ các ngành
nhằm xác định và xếp hạng sức mạnh quốc gia của 7 nước G7 và 4 nước khối BRIC –
viết tắt tên của các nước Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China (Trung
Quốc). G7 hiện nay là khối quốc gia có nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. BRIC là
khối quốc gia hiện chiếm 40% số dân thế giới, tăng trưởng kinh tế từ 4 tới 10%,
tương lai sẽ là đầu tàu kinh tế thế giới.
Viện KHXHTQ sử dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá gồm 5 nhân tố trực
tiếp hình thành sức mạnh quốc gia là:
- lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên,
- số dân,
- kinh tế,
- quân sự,
- khoa học kỹ thuật,
và 4 nhân tố ảnh hưởng là:
- phát triển xã hội,
- tính vững bền,
- an ninh và chính trị trong nước,
- đóng góp quốc tế.
Sau khi tổng hợp xét các nhân tố nói trên, Sách Vàng đưa ra bảng
xếp hạng sức mạnh tổng hợp của 11 nước nói trên. Thứ tự xếp hạng như sau: Mỹ, Nhật,
Đức, Canada ,
Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Ý, Brazil . Trung Quốc, xếp thứ 7 về sức mạnh tổng hợp,
thứ 2 về sức mạnh quân sự.
Sách Vàng nhận định: Mỹ là nước lớn siêu
cường có ưu thế trên nhiều mặt, “không cùng một tầng nấc” với các nước khác. Mỹ
đứng đầu về 4 chỉ tiêu kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và cống hiến quốc
tế; thứ 2 về chỉ tiêu tài nguyên thiên nhiên. Về cơ bản các chỉ tiêu khác của Mỹ
cũng xếp trong nhóm hàng đầu. Nhưng Mỹ đạt số điểm khá thấp về 3 chỉ tiêu phát
triển xã hội, tính bền vững và chính trị trong nước.
Nước thứ hai là Nhật đứng hàng đầu trên nhiều chỉ tiêu, nhưng lại
xếp ở vị trí rất thấp về 2 chỉ tiêu lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên, số dân;
chỉ tiêu quân sự cũng ở nhóm cuối. Tuy vậy Sách Vàng nhấn mạnh: ở đây việc đánh
giá thực lực quân sự “chỉ xét tới chỉ tiêu về lượng mà chưa xét nhân tố chất”;
thực ra lực lượng quân sự Nhât có đặc điểm là ít mà tinh, “bởi vậy địa vị quân
sự của Nhật trên thực tế nên ở vị trí cao hơn vị trí trong bảng”.
Nga và Trung Quốc xếp ở vị trí trung bình (6 và 7). Trên nhiều chỉ
tiêu, số điểm của hai nước này đều ở nửa cuối. Nga mạnh về lãnh thổ và tài
nguyên, Trung Quốc mạnh về số dân.
Về chỉ tiêu quân sự, Mỹ, TQ, Nga xếp nhất, nhì, ba. Mỹ là siêu cường nước lớn quân sự đích
thực; chi phí quân sự của Mỹ bằng 130% tổng chi phí quân sự của 10 nước còn
lại. Nga đứng đầu về trang
bị vũ khí, chủ yếu vì có số lượng trang bị vũ khí rất lớn, đặc biệt xe tăng có
22800 chiếc, xếp đầu bảng; trong khi đó Mỹ, Trung Quốc mỗi nước chỉ có hơn 7000
xe tăng. Sức mạnh quân sự
tổng hợp của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, đó là do Trung Quốc đạt số điểm cao về
số lượng binh sĩ và trang bị vũ khí. Bảng
xếp hạng này đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi về vị thế của Trung
Quốc.
Nguyễn
Hải Hoành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét