Tháng Bảy âm lịch lại về.
Theo phong tục người Việt, trong ngày rằm tháng này, phía Bắc các gia đình thường làm lễ cúng chúng sinh (trong khi phía Nam vào mùa Vu lan báo hiếu).
Không biết cái lễ cúng chúng sinh ấy được bắt đầu từ bao giờ, có nguồn gốc từ sự tích gì, nhưng đã thành thói quen của nhiều gia đình người dân trên đất Bắc.
Những người già vẫn kể lại rằng vào những ngày thời tiết mưa dầm đặc trưng của tháng Bảy, trong cái se lạnh ướt át của thiên nhiên trời đất, người ta lại nghe thấy như nhẩn nha khe khẽ:
"Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau rụng bạc, lá ngô rụng vàng..."
Đây là mấy câu mở đầu của bài Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) của Nguyễn Du.
Lại tìm bài văn ấy để đọc. Vẫn là những cảm xúc rợn rợn thương cảm và suy ngẫm...
Có nhà sư đã giải thích rằng đó không hẳn là một sáng tác của Nguyễn Du. Ông đã "diễn Nôm khoa nghi thí thực (?) của Phật giáo thành bản Văn chiêu hồn" (Thích Nguyên Huyền).
Nhưng có lẽ cũng phải có một tấm lòng rung động khi chứng kiến mỗi kiếp khổ đời người, thì mới viết nên những câu văn như thế, dù rằng văn tế vốn là dùng những lời lẽ thương cảm để bày tỏ xót thương, mong muốn cứu vớt cho linh hồn những kẻ đã khuất.
Thời của cụ Nguyễn Du là chiến tranh loạn lạc và ly tán, mọi số phận con người như chênh vênh và mong manh, từ bậc đế vương đến người hành khất, kẻ anh hùng hoặc người tầm thường, thương nhân hay kỹ nữ, trí thức hay nông dân, chiến sĩ hay giặc cướp .... mỗi người đều một niềm khổ, khi đã nằm xuống....
Mà ngẫm cho cùng cũng chẳng cứ gì thời của cụ Nguyễn Du, đời nào cũng vậy, vẫn những kiếp người mưu sinh toan tính.
Cuộc đời như một trò chơi lớn, bày ra đấy rồi mang về được cái gì...
Cuộc đời như một trò chơi lớn, bày ra đấy rồi mang về được cái gì...
Nhưng cái ý nghĩa của lòng nhân ái thì vẫn luôn là điều đáng kể. Để rồi trong một năm cũng phải có tiết trời tháng Bảy, con người ta nghĩ nhiều hơn đến lòng nhân ái trong cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét