Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Một nốt trầm xao xuyến/Tan biến trong hòa ca.

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Đấu tranh chủ quyền Biển Đông / mạn đàm chữ nghĩa

1."Hòa hiếu" (có lúc nói là "Hiếu hòa"):
"Hiếu" ở đây nên hiểu là yêu mến, hướng tới, theo đó "Hòa hiếu" là hướng về hòa bình, yêu chuộng hòa bình, tư tưởng đối ngoại chủ đạo là vì hòa bình. (Chữ "Hiếu" ở đây đừng nên hiểu nhầm có nghĩa liên quan tới sự "lễ phép" của người dưới với người trên). 
Ta "Hòa hiếu", ta sẽ có chính nghĩa.

2."Dùng nguy cơ chiến tranh để ngăn ngừa chiến tranh":
Hòa hiếu nhưng cần có sức mạnh phòng vệ để "bạn" đừng bắt nạt ta. Có đủ sức mạnh phòng vệ cần thiết, ta mới mong "bạn" nghĩ đến chuyện để ta yên.


3."Công khai thông tin":
Công khai thông tin là để thức tỉnh tinh thần và huy động sức dân (trong và ngoài nước) tham gia công cuộc bảo vệ tổ quốc.

4."Biểu tình vì hòa bình"
Biểu tình là sức mạnh chính trị của chính nghĩa. Xét trong lịch sử bảo vệ tổ quốc, ta nhiều lần giành thắng lợi bằng sức mạnh chính trị mà không phải dùng tới sức mạnh quân sự. Trong lúc này, biểu tình vì mục đích bảo vệ tổ quốc là điều cần thiết.

5."Blogger"
Sự nghiệp giữ nước không của riêng ai. Mỗi blogger với lòng nhiệt huyết và sự đóng góp sáng kiến, đều cần được coi là một "chiến sĩ" tham gia công cuộc giữ nước.

6."Bạn bè quốc tế"
Với vấn đề này thì cần nhớ tới câu châm (chọc) ngôn: "Bạn bè mỗi lúc một đông/Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều". Ta đều biết các bạn quốc tế của chúng ta ai cũng vì lợi ích của mình mà hành động. Tranh thủ được các bạn quốc tế là điều tốt, nhưng chẳng thể dựa dẫm vì ngộ nhỡ các bạn thỏa hiệp với người khác để bỏ ta như trong lịch sử. Như thế nghĩa là mặc dù phải tranh thủ các bạn quốc tế, ta vẫn phải tự lực tự cường.

7."Đất giăng dây, cây thẳng hàng"
Đây là kinh nghiệm từ ngàn đời tổ tiên đã dạy, cũng là điều cuối cùng mà ta cần đạt được. Ta có UNCLOS 1982 là chỗ dựa, nhưng khi "bạn tốt láng giềng" bắt nạt ta, dù có kêu toáng lên để thế giới biết, ta cũng chớ dại mà kiện tụng gì. Một chuyên gia luật quốc tế của ta đã cho biết khi có tranh chấp khiếu kiện như thế, phán quyết đưa ra thường là xử hòa, nghĩa mỗi bên đều phải chịu thiệt. "Bạn" thâm nho có lẽ hiểu rõ điều đó, nên cứ âm mưu mở rộng mãi diện tích của cái gọi là "vùng tranh chấp" ấy ra, để nếu ta "Thu Cúc đi kiện" thì kiểu gì cũng mất lãnh hải mà "bạn" lại hợp pháp hóa lãnh hải ăn cướp được.

Thế nghĩa là muốn nói gì đi nữa thì thực ra việc này không thể nhờ thế giới hoàn toàn, mà là chuyện song phương, hướng tới mục tiêu phân định và thừa nhận lãnh hải cụ thể giữa ta với ông "láng giềng tốt". Chắc ta đã hiểu được điều đó nên chính vì thế mà trước đây mới cố gắng để có được cái phân định biên giới và vịnh Bắc Bộ, theo đúng tinh thần "Đất giăng dây, cây thẳng hàng" (dù rằng có thể để đạt được sự phân định ấy, đã phải chấp nhận có những thỏa hiệp!?).

Nay với câu chuyện chủ quyền 2 quần đảo và biển Đông, "bạn" là ông láng giềng khủng, chí hướng thì ở bốn phương, chắc ta cũng chẳng chủ tâm, hay chẳng thể đòi có hết biển Đông làm ảnh hưởng tới lối ra thế giới của "bạn" được. Thế thì với việc hiện đang có UNCLOS, ta cứ theo UNCLOS để mà bám trời bám biển, cho tới khi "bạn" ngỏ ý bàn bạc phân định rạch ròi, thì chớp lấy để mà sớm hoàn tất điều này. Sống cạnh ông láng giềng lớn mạnh, có cái khổ như vậy. Tuy nhiên nếu sớm có được sự thừa nhận, phân định rạch ròi như thế, ta cũng bớt bị "bạn" quấy rối đi nhiều.

Tiểu kết:
Dân tộc bạn vốn là một dân tộc vĩ đại, đặc biệt có tầm vóc văn hóa, trí tuệ lớn lao, có những đức tính đầy nghĩa khí như: sử dụng sức mạnh để bênh vực kẻ yếu, tiêu diệt kẻ ác... từng khiến người ta ngưỡng mộ. Với ta, cũng đã từng có nơi, có lúc giúp đỡ nhiệt tình.

Nhưng cũng tiếc rằng ở vào nhiều thời đại trước cho tới cả ngày nay, giới tinh hoa của dân tộc ấy không phải là người lãnh đạo đất nước. Với tinh thần dân tộc cực đoan không được kiểm soát, đất nước ấy đang trở thành một "kẻ bắt nạt xấu tính", một kẻ ích kỷ chỉ biết tới lợi ích của mình, một con quái vật - nói không ngoa - cần đề phòng trong mắt láng giềng.

Và như thế, thì quả là đáng tiếc cho thế giới, khi đã mất đi một quốc gia có khả năng lãnh đạo, có trách nhiệm đối với sự ổn định và hòa bình của thế giới.

Trương Chi

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Mưa nửa đêm

Mưa từ đêm qua ...
Ngỡ rằng sáng nay đi làm sẽ chịu cảnh lụt lội.....


Dạo này thiếu ngủ quá, giờ chỉ thèm một giấc ngủ no nê trong tiếng mưa đêm....

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ra tiểu thuyết mới


(TT&VH) - Sáng qua (20/6), Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Phụ nữ đã tổ chức tọa đàm và giới thiệu tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. 



Sách dày tới 860 trang (hơn cả Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn), là cuốn tiểu thuyết viết về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống cư dân nông nghiệp Bắc bộ, qua số phận hàng chục nhân vật ở một làng quê quanh chùa Sọ, đặc biệt là cậu bé An, sư cụ Vô Úy, vãi Thầm, chị Nguyệt... Tiểu thuyết này được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết tay trong 4 năm liền, qua việc nghiền ngẫm hàng vạn trang sách về Phật giáo từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây và bằng chính những trải nghiệm của một người ở tuổi “xưa nay hiếm’’ (năm nay, ông đã 79 tuổi - PV)...
Đọc Đội gạo lên chùa, độc giả sẽ cảm thấy vướng vào lối sống Phật giáo, mê đường quê vào mùa gặt, sống với những nhân vật, những người phụ nữ điển hình chịu thương chịu khó, sống vì gia đình, quê hương...

(thethaovanhoa.vn)


Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Giáo dục đại học Việt Nam và sự học tập kinh nghiệm của Giáo dục đại học Hoa Kỳ

Tác giả: GS.LÂM QUANG THIỆP
Tóm tắt
Phần đầu của bài viết nêu tóm lược lịch sử phát triển của Giáo dục đại học Việt Nam qua các giai đoạn, có lưu ý đến ảnh hưởng của các mô hình Giáo dục đại học nước ngoài, đặc biệt là mô hình Pháp, Liên Xô và Mỹ, lên hệ thống đó.
Tiếp đến bài viết nêu một số sự kiện lịch sử đặc biệt của Giáo dục đại học Hoa Kỳ và rút ra các đặc điểm quan trọng của nó được hình thành từ chiều sâu lịch sử, đó là tính phi tập trung, tính thực tiễn, tính đại chúng và tính thị trường. Phần cuối bài viết nêu quy trình phát triển của Giáo dục đại học Việt Nam từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới năm 1997 đến nay và việc áp dụng những kinh nghiệm của Giáo dục đại học Hoa Kỳ trong quy trình đổi mới.
 Tác giả chỉ ra rằng việc áp dụng kinh nghiệm của Giáo dục đại học Hoa Kỳ đó bắt đầu từ giai đoạn trực tiếp nhưng chưa tự nguyện ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam cũng đang tiếp diễn, chuyển qua giai đoạn gián tiếp lúc Việt Nam cũng bị Hoa Kỳ cấm vận, tiến đến giai đoạn trực tiếp và tự nguyện ngày nay, khi Hoa Kỳ đó lập quan hệ bình thường với Việt Nam.

Mở đầu

Sự hình thành nền giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam có thể được đánh dấu bằng việc thành lập Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, theo mô hình phương Đông, tại kinh thành Thăng Long vào năm 1076, dưới thời nhà Lý. Tuy nhiên GDĐH theo mô hình phương Tây được du nhập từ Pháp vào Việt Nam rất muộn, với việc thành lập trường Cao đẳng Y khoa năm 1904 và tổ chức hợp nhất một số trường thành Viện Đại học Đông Dương năm 1943 tại Hà Nội. (1) Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Việt Nam được chia thành hai miền ở phía bắc và nam vĩ tuyến 17. Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1975 ở phía Bắc hệ thống GDĐH phát triển mạnh, nhiều trường đại học được thành lập, phần lớn là các trường đơn lĩnh vực hoặc đơn ngành theo mô hình của Liên Xô, song song với các viện nghiên cứu nằm bên ngoài các trường đại học. Cũng vào giai đoạn đó ở phía Nam hệ thống GDĐH cũng phát triển nhanh, một bộ phận tiếp tục chịu ảnh hưởng của mô hình Pháp (tiêu biểu là Viện Đại học Sài Gòn), một bộ phận khác thành lập muộn hơn chịu ảnh hưởng của mô hình Mỹ (tiêu biểu là Viện Đại học Cần Thơ và một số trường Đại học cộng đồng được thành lập vào cuối giai đoạn này). Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 trên cả lãnh thổ Việt Nam , GDĐH được xây dựng lại theo kiểu miền Bắc: hệ thống GDĐH theo mô hình Liên Xô được củng cố và phát triển. Theo mô hình này chương trình đào tạo cấp đại học đầy đủ thường là 4 năm, 5 năm hay thậm chí 6 năm, học liền một mạch. Các ngành đào tạo thường là hẹp, chuyên sâu vào những năm cuối. Cơ cấu hệ thống GDĐH bao gồm cấp đại học kéo dài từ 4 đến 6 năm, cấp phó tiến sĩ nối sau đó với thời gian 3-4 năm, và cấp tiến sĩ tiếp theo với thời gian không quy định. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung đối với GDĐH biểu hiện rõ ở các yếu tố: sinh viên được tuyển vào các trường đại học thường với số lượng không lớn bằng một quy trình chặt chẽ, họ không phải đóng học phí và được bao cấp một chi phí đủ sống ở mức độ thấp, sau khi tốt nghiệp họ được phân công vào các vị trí trong bộ máy nhà nước hoặc các cơ sở kinh tế quốc doanh. Các trường đại học được Nhà nước cấp chỉ tiêu tuyển sinh, kinh phí đào tạo và quy định chương trình đào tạo. Không có các trường ngoài công lập, các trường tư đã tồn tại ở miền Nam trước năm 1975 bị giải thể. Hệ thống GDĐH thống nhất theo mô hình Liên Xô này tồn tại cho đến cuối năm 1986, bộc lộ nhiều nhược điểm gây trì trệ cho sự phát triển. Cả đất nước lúc đó cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng chung về kinh tế xã hội do khó khăn sau chiến tranh và tác động tiêu cực của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Từ đầu năm 1987, Chính phủ Việt Nam quyết định từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, bắt đầu thời kỳ “Đổi mới”. Từ đó, cùng với kinh tế xã hội, nền GDĐH Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến. Như vậy, cho đến nay nền GDĐH hiện đại của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của ba mô hình GDĐH phương Tây: mô hình Pháp, mô hình Liên Xô (mà thực chất là hỗn hợp mô hình Pháp, Đức với sự chi phối của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung) và mô hình Mỹ.

Về sự phát triển và đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam cho đến nay

Vào giai đoạn 1954 – 1975, GDĐH miền Bắc Việt Nam hầu như đóng cửa đối với thế giới phương Tây, do đó, GDĐH Hoa Kỳ không có tác động nào lên hệ thống GDĐH miền Bắc. Trong khi đó ở miền Nam Việt Nam GDĐH chịu hai luồng ảnh hưởng song song của mô hình GDĐH Pháp và mô hình GDĐH Hoa Kỳ. Chi nhánh tại Sài Gòn của Viện Đại học Đông Dương có từ năm 1949 cùng với một bộ phận của Viện Đại học Đông Dương được chuyển từ Hà Nội vào miền Nam năm 1954 hợp nhất thành Viện Đại học Sài Gòn (1). ở đây, ảnh hưởng của mô hình GDĐH Pháp vẫn còn mạnh cho đến năm 1975. Viện Đại học Sài Gòn tuyển sinh theo kiểu ghi danh học tự do, chỉ đòi hỏi bằng tú tài, sinh viên được cấp bằng cử nhân sau khi tích lũy được một số lượng tối thiểu 6 mô-đun kiến thức lớn, mỗi mô-đun khoảng 300 tiết học. Việc tích lũy từng mô-đun được xác định bằng các kỳ thi chặt chẽ, trước hết là thi viết, sau đó thi vấn đáp và cuối cùng là thi thực nghiệm, sinh viên qua được ba kỳ thi đó đối với mỗi mô-đun thì được cấp một chứng chỉ. Với phương thức học theo hệ chứng chỉ này sinh viên ghi danh học rất đông nhưng tỷ số sinh viên tích lũy đủ kiến thức để đạt được văn bằng tương đối thấp. Các trường đại học được thành lập tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 phần lớn vận hành theo mô hình Mỹ, tiêu biểu là Viện Đại học Cần Thơ thành lập năm 1966, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức thành lập năm 1973. Các viện đại học này đều được tổ chức theo mô hình đại học đa lĩnh vực, và thiết kế quy trình đào tạo theo học chế tín chỉ kiểu Mỹ. Một số viện đại học tư cũng được thành lập. Ngoài ra, một số trường đại học cộng đồng theo mô hình Mỹ được thành lập vào đầu thập niên 1970 tại Nha Trang, Đà Nẵng, Mỹ Tho nhưng chưa thật sự đi vào hoạt động thì Việt Nam thống nhất. (2) Từ năm 1987, như đã nói trên đây, Việt Nam bắt đầu thời kỳ diễn ra. Các chủ trương đổi mới GDĐH đầu tiên được đề xuất tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học tại Nha Trang mùa hè năm 1987 thể hiện tập trung trong 4 tiền đề đổi mới sau đây([1]):
1) GDĐH không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế Nhà nước và kinh tế quốc doanh, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và nhu cầu học tập của nhân dân;
2) GDĐH không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực khác có thể huy động được: sự đóng góp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, của cộng đồng, của người học; nguồn vốn do các hoạt động của nhà trường về nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, dịch vụ làm ra; nguồn vốn do các quan hệ quốc tế mang lại;
3) GDĐH không chỉ theo chỉ tiêu kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch nhà nước, mà còn phải theo những đơn đặt hàng, những xu thế dự báo, những nhu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội;
4) GDĐH không nhất thiết phải gắn chặt với việc phân phối công tác cho người tốt nghiệp theo cơ chế hành chính bao cấp; người tốt nghiệp có trách nhiệm tự tìm việc làm, tự tạo việc làm trong mọi thành phần kinh tế; những nơi sử dụng lao động được đào tạo sẽ tuyển dụng theo cơ chế chọn lọc, nhà trường giúp họ nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng để thích nghi với những yêu cầu cơ động về ngành nghề trong thực tiễn. 
Theo 4 tiền đề trên, các trường đại học thực hiện hàng loạt đổi mới: tăng số lượng đào tạo ngoài chỉ tiêu Nhà nước, cho ra đời nhiều loại hình đào tạo mới; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất, các hợp đồng đào tạo và dịch vụ để tăng nguồn thu, thu học phí của một bộ phận sinh viên; tách quá trình phân phối khỏi quá trình sản xuất, tức là nhà trường không đảm nhiệm phân công công tác cho người tốt nghiệp như trước kia, từ đó tăng tính năng động của sinh viên. Cũng từ các tiền đề trên các trường đại học được tổ chức lại để tăng hiệu quả và hiệu suất đào tạo trong kinh tế thị trường: loại hình đại học đa lĩnh vực được xem là mô hình thích hợp để sắp xếp lại các trường đại học. Từ đó, năm 1993 đã hình thành các Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên theo mô hình viện đại học; trường Đại học mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Đại học mở Hà Nội đào tạo theo quy trình mở và từ xa cũng được xây dựng. Đặc biệt từ năm 1988, Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long được thí điểm thành lập tại Hà Nội và 7 năm sau gần 20 trường đại học và cao đẳng dân lập ra đời. Về ngành nghề và quy trình đào tạo cũng có những thay đổi quan trọng: đối với phần lớn trường đại học mà sản phẩm không có địa chỉ sử dụng xác định, việc đào tạo cấp đại học được chuyển từ mô hình ngành hẹp và liền một mạch thành mô hình đào tạo theo diện rộng với hai giai đoạn để người học dễ thích nghi khi chuyển đổi ngành nghề và tìm việc làm; chương trình học được cấu trúc theo mô-đun (học phần) để tăng tính mềm dẻo, tính khối lượng học tập theo “đơn vị học trình”; đối với các trường thuận lợi thì chuyển đào tạo theo tín chỉ (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thực hiện học chế tín chỉ kiểu Mỹ đầu tiên năm 1993, sau đó đến Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ, Đại học Thủy sản Nha Trang, Đại học Dân lập Thăng Long...). Về quản lý đào tạo cũng thay thế việc áp đặt ngành nghề và chương trình đào tạo từ Bộ xuống các trường đại học bằng cách ban bố khung chương trình cho các loại trường đại học, cao đẳng (Quyết định 2677, 2678/QĐ-ĐH năm 1993). Vào năm 1991 hình thành cấp cao học với học vị thạc sĩ ở trên cấp đại học và dưới cấp đào tạo tiến sĩ, và từ năm 1996 quyết định thay chế độ hai học vị ở cấp đào tạo tiến sĩ (phó tiến sĩ và tiến sĩ) bằng chế độ một học vị ở mức phó tiến sĩ trước đây với tên gọi là tiến sĩ. Những đổi mới quan trọng về cơ cấu hệ thống, quy trình đào tạo và các loại hình nhà trường của GDĐH được thực hiện lần lượt từ năm 1987 cho đến nay đã được khẳng định trong Luật Giáo dục năm 1998 và 2005 (3), trong văn bản “Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010” (4) và trong nhiều văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ. Các khẳng định quan trọng nhất của quá trình đổi mới GDĐH cho đến nay có thể tóm tắt như sau:
1) cơ cấu hệ thống trình độ của GDĐH với các cấp học chính là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ;
2) các loại hình trường đại học vể tổ chức và sở hữu, trong đó đại học đa lĩnh vực, cao đẳng cộng đồng, các đại học dân lập, tư thục;
3) quy trình đào tạo đa giai đoạn với việc mô-đun hóa kiến thức theo học phần;
4) chương trình đào tạo cấp cử nhân phân chia thành hai khối kiến thức: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp, và bước đầu chú ý đến khối kiến thức giáo dục đại cương;
5) bước đầu thừa nhận quyền tự chủ của trường đại học đi kèm với trách nhiệm xã hội của chúng với việc xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng để đảm bảo trách nhiệm xã hội. Qua các xu hướng đổi mới nói trên, mà những người làm chính sách GDĐH Việt Nam thường giải thích là nhằm thích nghi với kinh tế thị trường và hội nhập với khu vực, có thể thấy rõ hình ảnh của mô hình GDĐH Hoa Kỳ, tuy rằng điều đó đã không được tuyên bố tường minh. Cần lưu ý rằng, giai đoạn 1975-1995 là khoảng thời gian mà Việt Nam bị áp đặt sự cấm vận của Hoa Kỳ. Như vậy, ảnh hưởng của mô hình GDĐH Hoa Kỳ đã vào Việt Nam theo các con đường trực tiếp và gián tiếp. Những ảnh hưởng trực tiếp đã tác động vào GDĐH miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và những ảnh hưởng gián tiếp tác động vào GDĐH trên cả nước Việt Nam thống nhất từ khi Việt Nam chuyển hướng theo kinh tế thị trường năm 1987. Trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chủ trương thúc đẩy tiến trình đổi mới của GDĐH Việt Nam nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế xã hội và chuẩn bị hội nhập quốc tế. Biểu hiện tập trung nhất là hoạt động triển khai xây dựng đề án đổi mới GDĐH bắt đầu từ giữa năm 2004 với kết quả là một khung đề án đổi mới được Chính phủ chấp nhận bằng việc thông qua Nghị quyết đổi mới toàn diện và triệt để GDĐH Việt Nam cho giai đoạn 2006-2020(5). Các ý tưởng quan trọng về cơ cấu hệ thống, loại hình trường đại học, quy trình và chương trình đào tạo, quyền tự chủ của trường đại học như đã nêu trên đây được tiếp tục khẳng định và tăng cường. Đặc biệt, các yếu tố sau đây được nhấn mạnh: hệ thống GDĐH sẽ được đại chúng hóa; hệ thống tín chỉ sẽ được mở rộng; quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường đại học sẽ được nâng cao với các cơ chế cụ thể về hội đồng trường, về hệ thống kiểm định công nhận; hệ thống đại học tư sẽ được khuyến khích; cơ chế tài chính đại học chú trọng bài toán chia sẻ chi phí giữa Nhà nước, sinh viên và cộng đồng sẽ được xác lập... Tất cả các cố gắng đổi mới GDĐH nói trên nhằm làm cho nó phù hợp với việc đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Có người nhận xét: GDĐH Việt Nam đang chuyển biến theo mô hình GDĐH Hoa Kỳ. Để xem xét căn cứ của nhận định đó chúng ta hãy tìm hiểu các đặc điểm của GDĐH Hoa Kỳ.
Đặc điểm của giáo dục đại học Hoa Kỳ
GDĐH Hoa Kỳ là một hệ thống GDĐH đồ sộ nhất, đa dạng nhất, phức tạp nhất thế giới, do đó một người nước ngoài chưa có cơ hội thâm nhập lâu dài vào nền GDĐH đó khó hiểu biết thật sâu sắc về nó. Tuy nhiên, để có thể học tập những gì từ hệ thống đó nhằm áp dụng vào GDĐH Việt Nam cần phải hiểu được bản chất của nó. Vì vậy, tác giả của bài này cố gắng thử tìm hiểu những đặc trưng quan trọng nhất, bản chất nhất của nền GDĐH Hoa Kỳ qua lịch sử phát triển và hiện trạng của nó. 
Phải nói rằng so với GDĐH phương Đông có lịch sử hơn ba nghìn năm cũng như so với GDĐH châu Âu, cái nôi của nền GDĐH phương Tây kiểu hiện đại bắt nguồn từ khoảng thế kỷ thứ XII thì GDĐH Hoa Kỳ hết sức non trẻ, với lịch sử chỉ khoảng hơn bốn trăm năm (6). Thế mà GDĐH Hoa Kỳ đã có sức hấp dẫn kỳ lạ: Nhật Bản đã chọn mô hình GDĐH Hoa Kỳ để noi theo từ thời Minh Trị, Trung Quốc đã xây dựng lại nền GDĐH của mình chủ yếu theo kiểu Mỹ từ khi thực hiện cải cách mở cửa cách đây một phần tư thế kỷ, và gần nhất, “quá trình Bologna” của châu Âu thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng về GDĐH bắt đầu từ năm 1999 để thiết lập một “không gian GDĐH châu Âu” vào năm 2010, trong đó có rất nhiều yếu tố tương đồng với GDĐH Hoa Kỳ(7). Vì sao nền GDĐH Hoa Kỳ có sức hấp dẫn mạnh mẽ như vậy? Những yếu tố nào từ lịch sử phát triển đã tạo nên sức mạnh hiện tại của GDĐH Hoa Kỳ? 
Mọi người đều biết GDĐH Hoa Kỳ không phải là một nền GDĐH “cội nguồn”, nó chịu nhiều ảnh hưởng của GDĐH châu Âu, đặc biệt là của Anh và Đức, nhưng lịch sử phát triển của GDĐH Hoa Kỳ với những sự kiện đặc biệt đã tạo nên các triết lý cơ bản, độc đáo của GDĐH Hoa Kỳ, góp phần hình thành những ý tưởng về tổ chức và quản lý hệ thống GDĐH. Chúng ta hãy điểm lại một vài sự kiện lịch sử tiêu biểu mà bản thân tôi, một người vốn đã từng quen với những suy nghĩ theo hệ thống kế hoạch hóa tập trung, cảm thấy hết sức bất ngờ và lý thú.
Thất bại của G.Washington trong việc thành lập một đại học quốc gia mẫu mực cho Liên bang Hòa Kỳ

Năm 1789, George Washington được bầu làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ ở một số bang Hoa Kỳ có nhiều trường đại học hình thành với cơ sở hạ tầng nghèo nàn và đội ngũ giáo chức rất yếu. Washington thuyết phục Quốc hội về việc thành lập một trường đại học quốc gia mạnh, tập trung đầu tư các nguồn lực vào đó, vì theo ông ta, một trường đại học quốc gia mạnh sẽ thúc đẩy khối thống nhất quốc gia. Không may ý kiến của Washington không được ủng hộ, vì ở thời điểm đó sự quan tâm hàng đầu của các đại biểu là chủ quyền từng bang của riêng họ chứ không phải sức mạnh của quốc gia liên bang non trẻ. Như vậy ý đồ thành lập một trường đại học mạnh tầm cỡ quốc tế làm kiểu mẫu cho cả liên bang không được ủng hộ (8). Ngày nay xem xét và đánh giá lại sự kiện lịch sử đó, nhiều nhà nghiên cứu GDĐH Hoa Kỳ không cho rằng thất bại của G. Washington là một điều rủi ro. Chính vì không có một trường đại học mạnh duy nhất làm mẫu mực trong toàn liên bang, hệ thống GDĐH Hoa Kỳ không bị ràng buộc bởi các khuôn phép của các trường đại học theo kiểu cũ châu Âu, điều đó lại tạo nên tính đa dạng của hệ thống GDĐH Hoa Kỳ. Cũng vì không có một trường đại học mạnh duy nhất làm kiểu mẫu, ở Hoa Kỳ đã ra đời hàng loạt trường đại học, trong đó có nhiều trường nhỏ và yếu. Lúc đó, khi nói về việc thành lập trường đại học thì ở châu Âu phương châm thường là: “nếu không làm được cái tốt nhất thì thà rằng chẳng có gì”, còn ở Hoa Kỳ phương châm lại là: “thà có được một cái gì đó còn hơn là không có gì cả”. Tính đa dạng của hệ thống GDĐH Hoa Kỳ, mà nhiều người cho rằng đó là biểu hiện sự “thiếu tính hệ thống”, thì nhiều nhà nghiên cứu GDĐH Hoa Kỳ lại tìm thấy ở đó một trong những nguồn gốc tạo nên sức mạnh của GDĐH Hoa Kỳ: chính tính đa dạng của hệ thống tạo nên sự phong phú về chức năng giúp phục vụ cho nhu cầu phát triển đa dạng của xã hội. Sự phát triển đa dạng và nhanh chóng của hệ thống GDĐH đó được điều khiển không phải bởi một sự chỉ đạo thống nhất của quốc gia, mà bởi sự lựa chọn từ cơ chế cạnh tranh của thị trường. Chẳng hạn, từ 1969 đến 1975 ở Hoa Kỳ có khoảng 800 trường đại học mới được thành lập, và cũng có khoảng 300 trường khác phải đóng cửa hoặc sáp nhập, tức là còn tồn tại được 500 trường (8). Có thể cái điều dường như “thiếu tính hệ thống” của nền GDĐH Hoa Kỳ lại phản ánh một hệ thống GDĐH đa dạng đã hình thành với một sức mạnh liên kết chặt chẽ, mỗi trường đại học thường là thành viên của một hiệp hội tự nguyện hoạt động theo một cơ chế kiểm định chất lượng chặt chẽ thấm đượm tính cạnh tranh của thị trường
Thắng lợi của trường đại học tư Dartmouth trong vụ kiện của bang New Hampshire ở Tòa án Tối cao về quyền điều hành nhà trường
Vào năm 1816, Bang New Hampshire đã ra một dự luật cung cấp cho Chính quyền Bang những quyền hạn rất rộng rãi để “cải cách” trường Đại học tư Dartmouth, với lập luận dường như rất hợp lý rằng trường đại học (dù rằng theo quy chế tư nhân) phải được thành lập vì lợi ích của nhân dân New Hampshire, do đó trong quá trình điều hành, nhà trường phải nghe theo ý kiến của công chúng thông qua Chính quyền Bang. Năm 1819, Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lúc đó là J.Marshall đã kết luận theo chiều hướng ủng hộ trường Đại học tư Dartmouth, tuyên bố rằng theo Hiến pháp, Chính quyền Bang không được phép ra bất kỳ một dự luật nào “có tác hại đến nhiệm vụ quy định bởi các hợp đồng”, và rằng giấy phép thành lập mà nhà trường được cấp trước đây chính là một hợp đồng(9). Marshall quan niệm rằng, sự can thiệp của giới cầm quyền vào việc quản lý các cơ sở dịch vụ tư nhân, dù rằng các dịch vụ đó dưới dạng một công ty hay do sự điều hành cá nhân, đều rất nguy hiểm. Thắng lợi của trường Đại học tư Dartmouth tại Tòa án Tối cao năm 1819 có tác động dội lại rất mạnh mẽ đến các doanh nghiệp tư nhân cũng như phương hướng phát triển tương lai của GDĐH Hoa Kỳ. Quyết định của J.Marshall đã trở thành một đảm bảo an toàn cho việc thành lập và phát triển của các trường đại học tư. Người ta tin rằng một khi đã nhận được giấy phép thành lập của bang, những người thành lập sẽ được đảm bảo quyền kiểm soát nhà trường của mình trong tương lai
Đạo luật Morrill cấp đất công để xây dựng trường đại học
Trong thời gian Nội chiến của Hoa Kỳ (1861-1865), vào năm 1862, dưới thời Tổng thống A. Lincoln đã ra đời Đạo luật Morrill quy định cấp đất công cho các bang để xây dựng các trường đại học bang. Chỉ các bang không chống lại Liên bang mới được hưởng quyền lợi này. Mỗi đầu thượng nghị sĩ đại diện cho bang được cấp 30 nghìn acre (khoảng 12 nghìn ha), đất này đặc biệt dành để phát triển các trường đào tạo cho các ngành nông nghiệp và cơ khí. Đạo luật cấp đất Morrill xác định tính chất của một nền GDĐH mới, rất thực dụng: thúc đẩy GDĐH phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp và cơ khí. Với sự thành lập các trường đại học được cấp đất, số sinh viên nhập học các ngành kỹ thuật cơ khí tăng nhanh trong các thập niên 1880 và 1890, nhưng sinh viên vào các ngành nông nghiệp vẫn ít. Tuy gặp khó khăn về sự phát triển nhà trường, nhưng nhờ nguồn thu nhập ít ỏi có được, các trường này vẫn tồn tại và trưởng thành dần cho đến thập niên 1890. Vào năm 1890, Đạo luật Morrill 2 ra đời mang lại cho các trường đại học được cấp đất một quỹ trợ cấp trực tiếp hàng năm của Liên bang, một điều kiện thuận lợi có tính quyết định ở thời điểm mà các trường đại học đang đi vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất (9). Đạo luật Morrill cấp đất công để thành lập các trường đại học là một sự kiện lịch sử đặc sắc của GDĐH Hoa Kỳ. Chẳng những nó thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Liên bang đối với GDĐH mà còn khẳng định một quan niệm về GDĐH khác với các quan niệm truyền thống của châu Âu có từ thời Trung cổ: trường đại học và các ngành nghề đào tạo của chúng phải gắn chặt với sự phát triển sản xuất, kinh tế, xã hội, chứ không chỉ là công cụ để đào tạo các quan chức cai trị và các nhà truyền giáo
Đạo luật "GI Bill" năm 1944 tạo cơ hội cho cựu quân nhân nhập học đại học

Vào thời điểm sắp kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1944, Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Tái Điều chỉnh đối với Quân nhân (“GI Bill”(10)), trong đó có các điều khoản đảm bảo cho các cựu quân nhân được nhập học các chương trình khác nhau trong các trường đại học. Với sự hỗ trợ của Đạo luật nói trên, một “cơn lũ” các cựu quân nhân tràn vào các trường đại học: vào năm 1947 1,1 triệu cựu quân nhân Mỹ đã được nhận vào đại học, trong khi trước chiến tranh tổng số sinh viên đại học nói chung chỉ là 1,5 triệu. Đây là thời kỳ mở rộng quy mô lớn nhất trong lịch sử GDĐH Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1970, tỉ lệ sinh viên vào đại học so với thanh niên cùng độ tuổi tăng lên gấp ba, từ 15% đến 45%; số lượng sinh viên đại học tăng lên gần 5 lần, số sinh viên sau đại học tăng lên gần 9 lần, riêng thập niên 1960 sự phát triển tính theo phần trăm đạt cao nhất so với bất kỳ thập niên nào. Một loại trường đóng góp cho sự gia tăng này là các trường cao đẳng cộng đồng công lập, mà trong giai đoạn từ 1965-1972 đã ra đời với tỉ lệ cứ hơn một trường trong một tuần lễ (9). Đạo luật GI Bill lại là một sự kiện lịch sử hết sức đặc sắc nữa của GDĐH Hoa Kỳ. Đạo luật này không những là một chính sách hết sức khôn khéo và táo bạo của Hoa Kỳ đối với cựu quân nhân, mà còn là một động tác làm tăng nhanh quá trình đại chúng hóa GDĐH. Vào thời kỳ đó không phải không có nhiều ý kiến của một bộ phận giới hàn lâm cho rằng đạo luật này đã tầm thường hóa trường đại học và làm suy giảm chất lượng của chúng, tuy nhiên cho đến nay, các nhà nghiên cứu về lịch sử GDĐH đã nhận định rằng sự suy giảm chất lượng đã không xảy ra. Và nối tiếp với sự gia tăng số lượng sinh viên đại học hết sức mạnh mẽ đó, vào các thập niên sau đó GDĐH Hoa Kỳ đã được nâng lên trình độ phổ cập, tạo nên một cơ hội hết sức thuận lợi để đất nước này vững chắc tiến vào thời đại kinh tế tri thức
Chính sách học bổng và tín dụng của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ từ những năm 1970: cấp tài chính không phải cho người sản xuất mà cho người tiêu dùng

Hiện nay, Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ không quản lý trực tiếp hệ thống giáo dục, trong đó có GDĐH, mà đó là phần việc của các bộ giáo dục bang. Tuy nhiên, Chính phủ Liên bang có vai trò quan trọng về các điều chỉnh vĩ mô thông qua nhiều biện pháp, trong đó có việc cấp tài chính thông qua quỹ tín dụng và học bổng cho sinh viên và quỹ nghiên cứu khoa học. Vào năm 2000 GDĐH Hoa Kỳ được đầu tư 197 tỷ USD, tức 3% GDP, trong đó sinh viên đại học được hỗ trợ tài chính 68 tỷ USD, tức là hơn 1/3 tổng ngân sách cho GDĐH. Khoảng 70% sinh viên đại học được nhận một loại hỗ trợ tài chính nào đó: khoản này trang trải được cỡ 40% tổng chi phí. Điều đặc sắc về chính sách GDĐH ở đây không chỉ ở khối lượng khổng lồ của khoản tín dụng và học bổng cho sinh viên mà còn là ở cách thức cấp khoản kinh phí này. Sau nhiều cuộc bàn luận ở Quốc hội vào đầu thập niên 1970, Hoa Kỳ chọn cách cấp khoản kinh phí này không cho trường đại học, mà trực tiếp cho sinh viên, tức là không cấp cho người sản xuất mà cấp cho người tiêu dùng. Kết quả của chính sách này là làm tăng sức mạnh tương đối của người tiêu dùng - người mua, so với người sản xuất - người bán, đồng thời không làm tăng quyền lực tập trung của Chính phủ Liên bang đối với các trường đại học (9)
Trên đây chúng tôi chỉ xin nêu một số sự kiện lịch sử của GDĐH Hoa Kỳ, các sự kiện mà chúng tôi nghĩ là có liên quan và ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các tính chất đặc trưng của hệ thống GDĐH Hoa Kỳ ngày nay. Vậy thì các đặc trưng quan trọng nhất của GDĐH Hoa Kỳ là gì? Theo chúng tôi có lẽ là: 
- Tính phi tập trung: Đối với hệ thống GDĐH Hoa Kỳ không có một bộ hoặc cơ quan trung ương nào của Chính phủ Liên bang quản lý trực tiếp, đưa ra những phương hướng chỉ đạo nghiêm ngặt hoặc những khuôn mẫu cứng nhắc áp đặt từ trên xuống. Trong việc quản lý hệ thống GDĐH Hoa Kỳ xu hướng mọi hoạt động phát triển từ dưới lên thể hiện rất rõ. Tính phi tập trung này có thể đưa hệ thống đến một trong hai tình trạng: một là sự “thiếu hệ thống”, hoặc nói bằng một từ nặng hơn, sự vô chính phủ; hai là tính dân chủ và sự phát triển đa dạng. Tình trạng nào trong hai xu hướng trên sẽ xảy ra là tùy thuộc vào các đặc điểm khác của hệ thống mà chúng ta sẽ nêu dưới đây. 
- Tính thực tiễn: Tuy GDĐH Hoa Kỳ du nhập từ châu Âu, chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các mô hình GDĐH truyền thống hàn lâm của châu Âu, đặc biệt của Anh và Đức, nhưng tính truyền thống đó không hoàn toàn áp đặt mọi sắc thái của GDĐH Hoa Kỳ. Nói cách khác, cộng đồng GDĐH Hoa Kỳ không mắc bệnh “giáo điều”. Cuộc sống thực tế, sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đất mới này được phản ánh rất nhanh chóng vào nền GDĐH của nó. Không câu nệ các ước lệ truyền thống, hàn lâm về mô hình đại học, về nội dung đào tạo, về ngành học..., việc đào tạo ở các trường đại học Mỹ phục vụ rất sát yêu cầu của sản xuất, của sự phát triển kinh tế xã hội. Trong từng ngành nghề đào tạo quan hệ giữa việc dạy và học trong nhà trường và các hoạt động sản xuất ở các lĩnh vực liên quan cũng hết sức chặt chẽ. Chính việc gắn chặt với thực tiễn này là một trong những yếu tố tạo nên sức sống mạnh mẽ của GDĐH Hoa Kỳ. 
- Tính đại chúng: Một đặc điểm gần gũi với tính thực tiễn và có quan hệ gắn bó với tính thực tiễn là tính đại chúng. Tuy chịu ảnh hưởng của mô hình GDĐH tinh hoa của Anh quốc, ngay từ khi mới xây dựng, hệ thống GDĐH Hoa Kỳ đã mang trong mình tính đại chúng. Vào khoảng 1880 ở Vương quốc Anh với 23 triệu dân có 4 trường đại học, trong khi chỉ tại riêng bang Ohio Hoa Kỳ với 3 triệu dân đã thành lập 37 trường đại học. Năm 1928, Hoa Kỳ có 1220 trường đại học với gần 1,2 triệu sinh viên, chiếm 15% tỷ lệ thanh niên cùng độ tuổi, gấp 5 lần tỷ lệ trung bình của GDĐH châu Âu thời đó (6). Như đã nói trên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai Đạo luật GI Bill đã đưa hàng triệu cựu quân nhân vào đại học làm tăng số lượng sinh viên đại học lên hết sức nhanh chóng. Hiện nay, Hoa Kỳ có 15 triệu sinh viên đại học, chiếm hơn 70% tỷ lệ thanh niên cùng độ tuổi, tức là ở mức độ phổ cập GDĐH. Tính đại chúng của GDĐH Hoa Kỳ không chỉ biểu hiện ở số lượng sinh viên như đã nêu, mà có nguồn gốc từ cơ cấu của hệ thống GDĐH và tính chất của các trường đại học. Một yếu tố đặc sắc của GDĐH Hoa Kỳ là sự phát triển của hệ thống cao đẳng cộng đồng với khoảng 1700 trường rải khắp các địa bàn dân cư. Với các chương trình đại học 2 năm nặng về giáo dục đại cương, với bằng “phó cử nhân” của đại học 2 năm (American Associate Degree), với cơ chế chuyển tiếp từ đại học 2 năm đến đại học 4 năm và cơ chế chuyển tiếp tín chỉ nói chung v.v... hệ thống GDĐH Hoa Kỳ có mọi điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đại chúng hóa và phổ cập hóa GDĐH. 
- Tính thị trường có lẽ là đặc điểm bao trùm nhất, thể hiện rõ nhất của GDĐH Hoa Kỳ.Trong toàn bộ hệ thống GDĐH Hoa Kỳ cũng như trong hoạt động của từng trường đại học, sức mạnh của thị trường chi phối rất rõ rệt. Hơn nữa, những người làm chính sách không những chấp nhận sự chi phối của thị trường mà còn tận dụng sức mạnh đó để nâng hiệu quả của đầu tư, chẳng hạn như trong việc chọn phương thức cấp học bổng và tín dụng sinh viên của Chính phủ Liên bang đã nêu trên. Trong lịch sử phát triển GDĐH Hoa Kỳ, rất nhiều trường đại học được thành lập, và cũng không ít trường phá sản nếu không đủ sức cạnh tranh để tồn tại, đúng như quy luật của thị trường. Người ta thường nói đến hai tính chất quan trọng của thị trường khi so sánh với các dạng tác động xã hội khác, đó là:
1) các kết quả không phải nảy sinh từ kế hoạch hoặc từ những quyết định có chủ đích từ trung ương;
2) khi có nhiều người sản xuất (8), hành vi của họ bị tác động bởi sự cạnh tranh để giành khách hàng, sự cạnh tranh đó làm tăng ảnh hưởng của khách hàng lên đặc điểm và chất lượng của sản phẩm, và lên cả bản thân đặc điểm của người sản xuất (8). Đối với GDĐH, khi người mua là sinh viên thì các trường đại học với tư cách là người sản xuất phải cạnh tranh nhau để thu hút số lượng sinh viên nhập học. Còn khi xem người bán là sinh viên tốt nghiệp thì có sự cạnh tranh với nhau giữa họ để lập nghiệp. Cả hai loại chủ thể đó, nhà trường và sinh viên tốt nghiệp, đều cùng cố gắng để chuyển các cơ hội trong thị trường việc làm vào quy mô của các chương trình và khoa ngành đào tạo. Quyền tự chủ cao của các trường đại học giúp họ di chuyển nguồn lực giữa các chương trình và khoa ngành đào tạo để đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu nhập học. Cũng tương tự như vậy đối với công việc nghiên cứu: các nhóm nghiên cứu cạnh tranh nhau để được nhận kinh phí, còn các cơ quan cấp kinh phí thì thu được lợi ích từ chất lượng công trình nghiên cứu mà họ mua. Tuy trong GDĐH Hoa Kỳ, quy luật của thị trường được coi trọng và khai thác, nhưng không phải GDĐH được phó mặc cho thị trường. Hoa Kỳ là một nước có hệ thống GDĐH tư rất lớn, nhưng khác với ở một số nước châu á (chẳng hạn, Phillipin), phần lớn các trường đại học tư ở Hoa Kỳ hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận. Chỉ một số rất ít các trường sau trung học theo hướng nghề nghiệp cụ thể hoạt động vì lợi nhuận. Đối các trường đại học tư không vì lợi nhuận lâu đời, ngoài học phí của sinh viên họ thường có một tài sản hiến tặng (endownment) tích lũy được khá lớn và các khoản biếu thường xuyên khác từ các doanh nghiệp, cựu sinh viên giúp họ hoạt động (chẳng hạn, tài sản hiến tặng tích lũy được của Viện Đại học Harvard cỡ 25 tỷ USD)(11). Chính trách miễn thuế cho các doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận mà họ sử dụng để tài trợ cho các trường đại học là một khoản trợ cấp ngầm của Nhà nước cho trường đại học, khuyến khích cho loại tài trợ này(12)(13). Ngoài ra, các trường đại học tư có sức cạnh tranh mạnh có thể nhận được thêm nguồn tài trợ đáng kể qua nguồn đầu tư cho các chương trình nghiên cứu của Nhà nước Liên bang. Các chính sách nói trên của Nhà nước tạo điều kiện cho các trường đại học có thể hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, tức là hạn chế bớt những tác động theo hướng tiêu cực của thị trường. Như trên đây đã nói, tùy theo các đặc điểm khác của hệ thống, tính phi tập trung có thể dẫn đến một trong hai tình trạng: hoặc là sự vô chính phủ hoặc là tính dân chủ và sự phát triển đa dạng. Vì GDĐH Hoa Kỳ tôn trọng các quy luật của thị trường và có ý thức khai thác chúng, các lực thị trường đã tạo nên sự cân bằng động cho hệ thống, thêm nữa, Nhà nước Hoa Kỳ còn có những tác động gián tiếp hỗ trợ thêm cho các tác động tích cực của thị trường. Như vậy, hệ thống GDĐH Hoa Kỳ phát triển đa dạng nhưng ổn định vì nó được giữ chủ yếu bởi các lực liên kết bên trong chứ không phải bằng những tác động áp đặt trực tiếp từ bên ngoài.
Những giá trị của kinh nghiệm giáo dục đại học Hoa Kỳ đối với giáo dục đại học nước ta trong thời kỳ mới
Hệ thống GDĐH Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả. Vậy thì Việt Nam có thể học tập được gì từ hệ thống này? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Để có giải đáp đúng đắn cho mỗi nước, có lẽ trước hết nên nhớ một câu danh ngôn của cổ nhân, ý nói: “Cây cam sẽ là cây cam khi trồng nó ở phía nam sông Dương Tử, nhưng nó có thể trở thành một cây gì khác khi trồng ở phía bắc con sông ấy” - vì đất và nước ở hai nơi không như nhau. Nói cách khác, theo chúng tôi, muốn học tập được gì ở hệ thống GDĐH Hoa Kỳ trước hết cần phải hiểu biết sâu sắc hệ thống đó, hơn nữa cũng phải hiểu rõ bản thân mình và cái mà mình cần, mà điều đó đòi hỏi không ít thời gian và suy ngẫm. Lấy ví dụ từ Vương quốc Anh. Người Anh đã biết xu hướng đại chúng hóa GDĐH của Hoa Kỳ từ lâu (Hoa Kỳ đã đạt tỷ lệ 15% sinh viên độ tuổi đại học từ năm 1928 và 45% từ năm 1970) (9). Tuy nhiên, trước đây, người Anh chưa thể lấy quan điểm GDĐH đại chúng của Hoa Kỳ để thay thế cho quan điểm GDĐH tinh hoa truyền thống của họ: trước năm 1979 ở Anh quốc chỉ có 13% sinh viên ở độ tuổi đại học. Chỉ từ năm 1988 Vương quốc Anh mới tập trung để tăng tỷ lệ đó lên 30% vào năm 1993. Có thể nhắc lại ví dụ về EU đã nêu ở phần đầu của bài này. Từ năm 1989, nhiều nước phát triển của EU trong khối OECD đã tổ chức nghiên cứu rất sâu về hệ thống GDĐH Hoa Kỳ, đã từng gọi hệ thống GDĐH bang California là “giấc mơ California” và khuyến cáo các nước thành viên OECD xem đó là kiểu mẫu của GDĐH thế kỷ XXI (14). Tuy nhiên, chỉ cho đến nay EU mới quyết tâm cải cách hệ thống GDĐH của mình để hướng tới một “Không gian GDĐH châu Âu” thống nhất, trong đó có rất nhiều yếu tố tương đồng với GDĐH Hoa Kỳ(15) . Phải chăng chỉ ở thời điểm này, thời điểm mà nhân loại đang tiến vào nền kinh tế tri thức trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, EU mới có điều kiện và mới cảm nhận được nhu cầu bức bách phải chấp nhận học tập một số kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ? Đối với Việt Nam, điều kiện kinh tế xã hội của nước ta so với Hoa Kỳ có nhiều khác biệt, do đó việc học tập kinh nghiệm của hệ thống GDĐH Hoa Kỳ không phải dễ dàng. Vào năm 1987, khi bắt đầu giai đoạn đổi mới GDĐH, chúng ta có rất ít điều kiện để tìm hiểu hệ thống GDĐH Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo đường lối đổi mới chung của đất nước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, ngành đại học đã đề xuất một số chủ trương đổi mới thích hợp, như đã nêu ở phần
 2. Tuy hệ thống GDĐH đổi mới của chúng ta về hình thức có đôi nét gần với mô hình Mỹ, nhưng vận hành của hệ thống GDĐH của chúng ta còn rất kém năng động so với hệ thống GDĐH Hoa Kỳ. Vì đâu có sự chênh lệch đó? Phải chăng, vì giữa hai hệ thống GDĐH của hai nước có sự khác biệt cơ bản, ở họ, tính thị trường tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh trong sự vận hành hệ thống, và sự điều chỉnh của Nhà nước, nếu có, thường chỉ là gián tiếp, còn ở nước ta, thói quen theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp cũ vẫn còn khá nặng nề, và tác động của Nhà nước trong điều hành GDĐH vẫn thường là áp đặt trực tiếp? Chúng ta đã cần khá nhiều thời gian để tăng thêm hiểu biết và tạo nên sự đồng thuận. Nước ta bắt đầu đổi mới GDĐH từ năm 1987, và đã áp dụng một số ý tưởng quan trọng của GDĐH Hoa Kỳ, nhưng phải đợi đến Hội thảo quốc gia về Đổi mới GDĐH cuối tháng 3/2004 vừa qua nhiều nhà khoa học mới phát biểu ý kiến thẳng thắn của mình là cần nghiên cứu học tập mô hình GDĐH Hoa Kỳ để đổi mới hệ thống GDĐH nước ta. Như vậy, với thời gian, cộng đồng GDĐH Việt Nam dần dần hiểu biết nhiều hơn về GDĐH Hoa Kỳ và có sự đồng thuận cao hơn trong việc học tập một số kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ. Tóm lại, GDĐH Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của GDĐH Hoa Kỳ từ lâu, qua nhiều con đường. Đó là sự du nhập vào miền Nam một số mô hình và quy trình của GDĐH Hoa Kỳ: các trường cao đẳng cộng đồng, học chế tín chỉ trước năm 1975, khi cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiếp diễn. Về phía Việt Nam lúc đó việc du nhập các mô hình này là trực tiếp nhưng chưa mang tính tự nguyện, vì những vấn đề lớn hơn của cuộc chiến tranh như chủ quyền và độc lập dân tộc chưa được giải quyết. Vì vậy, những ảnh hưởng đó không bền vững, và thực tế chúng đã bị xóa bỏ sau năm 1975. Khoảng từ năm 1987 đến năm 1995, khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, một số ý tưởng của mô hình GDĐH Hoa Kỳ đã được tái du nhập vào Việt Nam một cách gián tiếp, vì cánh cửa giữa Việt Nam và Hoa kỳ vẫn bị đóng kín do chính sách cấm vận của Hoa Kỳ. Thông tin về GDĐH Hoa Kỳ truyền vào Việt Nam không đủ để tạo một sự đồng thuận cao đối với việc áp dụng các ý tưởng đó. Từ sau năm 1995, với sự bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cánh cửa giữa hai quốc gia đã được rộng mở, những người làm chính sách và cộng đồng GDĐH Việt Nam hiểu biết nhiều hơn về đất nước và nền GDĐH Hoa Kỳ, do đó những chủ trương về thiết kế cơ cấu hệ thống trình độ với ba mức bằng cấp chính cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, về đại chúng hóa GDĐH, về tăng cường mở rộng việc áp dụng học chế tín chỉ, về xây dựng hệ thống cao đẳng cộng đồng, về mở rộng hệ thống các trường đại học ngoài công lập, về hệ thống kiểm định công nhận chất lượng... đã được Chính phủ thúc đẩy thực hiện và đã tìm được sự đồng thuận cao trong cộng đồng GDĐH Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn thể hiện ý nguyện xây dựng một vài trường đại học đẳng cấp quốc tế dựa vào sự giúp đỡ tư vấn của các trường đại học Hoa Kỳ. Như vậy, một đặc điểm nổi bật của việc áp dụng các kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ vào Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay là có tính trực tiếp và có sự tự nguyện.

Kết luận

Qua quá trình phát triển lịch sử lâu dài, một đặc điểm đã được hình thành trong phẩm chất của dân tộc Việt Nam là không chịu chấp nhận những áp đặt của ngoại bang. Chính đặc điểm này làm cho dân tộc Việt Nam không bị Trung Quốc đồng hóa trong suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc, làm cho nhân dân Việt Nam chống trả thành công mọi sự áp đặt của các nước phương Tây, dù sự áp đặt đó được gọi là văn minh, tự do hay dân chủ. Tuy nhiên, một đặc điểm khác không kém quan trọng của dân tộc Việt Nam là sự nhạy cảm và rộng mở trong việc tiếp thu những tinh hoa của các dân tộc khác và của nhân loại, với điều kiện sự tiếp thu này phải là tự nguyện. Sự vận động của GDĐH Việt Nam cũng không thể không theo những quy luật chung đó liên quan đến đặc điểm dân tộc. Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ mà kinh tế xã hội có những bước phát triển nhanh chóng, GDĐH Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn của yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Một kế hoạch chiến lược dài hạn đổi mới GDĐH Việt Nam đang được xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết của Chính phủ (5). Trong những những mục tiêu phác thảo của kế hoạch chiến lược mà hệ thống GDĐH Việt Nam cần đạt tới có rất nhiều ý tưởng mượn từ mô hình GDĐH Hoa Kỳ, vì đó là một mô hình GDĐH thích nghi tốt nhất với nền kinh tế thị trường, một trong những biện pháp quan trọng nhất của chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Như vậy, trong giai đoạn sắp tới, các ý tưởng của mô hình GDĐH Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên GDĐH Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các giai đoạn trước đây, sự tiếp nhận ý tưởng lần này sẽ là trực tiếp và tự nguyện, do đó có thể hy vọng tiến độ áp dụng ý tưởng đó sẽ nhanh chóng và kết quả sẽ bền vững hơn trước. Với những suy nghĩ trên đây, tôi hy vọng những kinh nghiệm của GDĐH Hoa Kỳ sẽ đóng góp tích cực cho sự tiến bộ của nền GDĐH Việt Nam, và tập sách này(16) sẽ góp một phần nhỏ thúc đẩy sự tiến bộ đó. Thỏng 6 năm 2006.  

TÀI LIỆU DẪN

(1) Lê Văn Giạng, Lịch sử giản lược hơn 1000 năm nền giáo dục Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2003.
(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo, 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945-1995), Nxb Giáo dục, 1995.
(3) Luật Giáo dục và Văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 ; Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005, Nxb Chính trị quốc gia, 2005.
(4) Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, Nxb Giáo dục, Hà nội , 2002
(5) Nghị quyết về Đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005.
(6) The History of Higher Education, ASHE Reader Series, Simon & Schuster Custom Publishing, 1997.
(7) Lâm Quang Thiệp, “Về xu hướng hội nhập giáo dục đại học trên thế giới và những đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam ”. Trích từ Kỷ yếu Hội thảo Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, Hội nhập và Thách thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 3/2004
 (8) Martin A. Trow, American Higher Education: Past, Present and Future. Trích từ “Foundation of American Higher Education”, Simon & Schuster Publisher, 1999.
(9) Roger Geiger, “The Ten Generations of American Higher Education” – từ “American Higher Education in the Twenty-first Century – Social, Political, and Economic Challenges”, 2001
. (10) GI – quân nhân, cựu quân nhân (Hoa Kỳ). GI Bill là cách gọi tắt Đạo luật Tái Điều chỉnh đối với Quân nhân. Cách dùng GI theo nghĩa này ra đời từ giữa thế kỷ XX để gọi tắt từ “government issue” (cấp phát của nhà nước) một kiểu giải thích nhại từ GI -"galvanized iron” (đồ sắt mạ) được ghi trên nhiều quân trang quân dụng của quân đội Mỹ - theo Microsoft Encarta, 2005.
(11) “The chronicle of Higher Education" - Vol. LIII, No 1, Aug. 25, 2006.
(12) Martin Trow, From Mass Higher Education to Universal Access. Trích từ “In Defence of American Higher Education”, Johns Hopkins Press, 2001 (có dịch trong cuốn sách này) ;
(13) Bruce D. Johnstone, “Hệ thống Giáo dục đại học Hoa Kỳ” (Chương 2 từ sỏch "Giáo dục Đại học Hoa Kỳ", Lâm Quang Thiệp, Bruce D. Johnstone vaf Philip Altbach đồng chủ biên, NXB Giáo dục, 9-2006.
(14) Sheldon Rothblatt, “The OECD, the Master Plan and the California Dream: A Berkeley Conversation”, University of California , Berkeley , 1992.
(15) Lâm Quang Thiệp, “Về xu hướng hội nhập giáo dục đại học trên thế giới và những đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam ”. Trích từ Kỷ yếu "Hội thảo Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam , Hội nhập và Thách thức", Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 3/2004.
(16) Bài này được lấy từ Chương 1 của tập sách "Giáo dục Đại học Hoa Kỳ", do Lâm Quang Thiệp, D.Bruce Johnstone và Philip G. Altbach đồng chủ biên, NXB Giáo dục, tháng 9 năm 2006

(Nguồn: Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ giáo dục VN)


Tàu điện leng keng ...

(Nguồn ảnh và ghi chú: Báo Đất Việt)

Tàu điện Hà Nội đầu thế kỷ 20
Chạy trong phố cổ thời Pháp thuộc
Những năm chống Mỹ (1972)

"Nhảy tàu điện khi tàu đang chạy là cả một nghệ thuật !"

Trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cột đồng hồ ngày nay là đài phun nước, nhà treo khẩu hiệu phía sau thì nay là tòa nhà "Hàm cá mập".

Trương Chi: Góc này là đứng bên đầu phố Lương Văn Can để nhìn ra phía "Hàm cá mập"!

Hình ảnh quen thuộc nhiều thập niên trước
Trương Chi: Ký ức về tàu điện của mình không có nhiều, nhưng lúc thấy màu sơn vàng - đỏ của cái tàu điện trong bức ảnh trên này thì vẫn lờ mờ nhớ lại hồi bé đã từng thấy những cái tàu điện như thế chạy trên đường (đoạn phố Bạch Mai ?)


Một chuyến tàu quá tải (1973)

Trước cửa chợ Đồng Xuân (1989)

Tại bến Bờ Hồ, nhà Thủy Tạ phía xa


Trương Chi: Chỗ đứng này giờ chắc gần City view Hàm cá mập, đứng trông ra phía góc phố Lê Thái Tổ có trụ sở báo Nhân Dân!


 
Trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần tháp Hòa Phong
Trương Chi:  Chỗ này là đứng ở đoạn ngã tư Hàng Bài, Hàng Khay trông lên phía tháp Hòa Phong. Đường Đinh Tiên Hoàng vẫn còn đi 2 chiều ít nhất cho tới năm 1994, năm đấy mình đi ôn thi vào lớp 10 ở Hàng Bè, lúc về vẫn qua lối này.


"Bám đuôi" tàu điện


Tàu điện "len lỏi" trước cổng chợ Đồng Xuân


Trên phố Đồng Xuân chạy về bốt Hàng Đậu
Trương Chi:  Chỗ này là đứng gần Gầm Cầu, chỗ đầu Hàng Giấy chuyên bán thịt bò khô, để trông ra phía chợ Đồng Xuân. Haizzz ...... cái màu sơn vàng - đỏ ấy!


Trên phố Thụy Khuê, chạy về chợ Bưởi

Đeo bám tàu điện và rong ruổi phố phường, thú vui đơn sơ của trẻ em HN


Trương Chi: Những bức ảnh gợi nhớ về một Hà Nội thời bao cấp, thế hệ của phụ huynh mình. Cái thời mọi người kêu là cơ cực, mà mình thì vẫn nhớ là chả thấy cơ cực (chắc do đang là trẻ con). 

Gắn bó với Hà Nội là từ những ký ức ấy !



Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Trung Quốc có bành trướng hay không?

(Bài viết lấy từ nguồn: http://vietnamdefence.com) :

Bài viết của tác giả Nga trình bày một cách nhìn về Trung Quốc, có tính tham khảo, không nhất thiết là quan điểm của VietnamDefence.

Đặc điểm phát triển của nền văn minh Trung Hoa là tính chu kỳ. Trong lịch sử các đế chế Trung Hoa thấy rõ 3 chu kỳ: hình thành, hưng thịnh, suy vong và hỗn loạn, trong đó phần lớn hoặc một bộ phận đáng kể dân cư bị chết đi.

Hiện nay, Trung Quốc đang ở giai đoạn “hưng thịnh” - kinh tế và nhân khẩu tăng trưởng, mặc dù giới tinh hoa Trung Quốc đã kìm hãm được sự tăng dân số, nhưng đổi lại, đã nhận lấy “sự già hóa” của dân cư và giảm số lượng nữ giới.

Kinh tế Trung Quốc (không phải là không có sự giúp đỡ của Mỹ) đang có sự phát triển rất nhanh chóng, đã vượt qua Đức, Nhật và đang đuổi kịp Mỹ. Nhưng trong sự tăng trưởng đó có một cái bẫy chết người, nếu sự tăng trưởng dừng lại, Trung Quốc sẽ đối mặt với những vấn đề kinh tế-xã hội kinh hoàng, chúng chắc chắn sẽ gây ra sự khủng hoảng chính trị nội địa, các cuộc nổi loạn của nông dân và các khu vực Hồi giáo. Kết quả, Trung Quốc sẽ chuyển sang giai đoạn “suy vong”.

Giới tinh hoa Trung Quốc hiểu rõ quy luật lịch sử này và hoàn toàn logic khi giả định là họ đã tìm ra được cách để vượt qua, hay ít ra là kéo dài khung thời gian của thời kỳ “tăng trưởng”. Các triết gia Trung Quốc cho rằng, tồn tại khả năng có một giai đoạn “đại hài hòa”.

Những dấu hiệu giai đoạn “suy vong” đang đến gần

- “Sự quá nóng” của kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng quá nhanh đã dẫn tới việc nếu như trong nước bắt đầu sự trì trệ (mà điều đó thì có thể xảy ra do khủng hoảng thế giới, lượng cầu ở Mỹ, châu Âu, Nga… suy giảm, mặc dù người ta đang tìm cách duy trì nó một cách nhân tạo bằng cách bơm tiền không được bảo đảm, nhưng điều đó không thể kéo dài mãi); thì các vấn đề kinh tế-xã hội sẽ bùng phát dữ dội ở Trung Quốc.

- Cuộc chạy đua vũ trang ráo riết mà Trung Quốc phát động từ những năm 1990 đã khiến cả Đông Nam Á lao vào chạy đua vũ trang.

- Sự bất mãn gia tăng trong các tầng lớp dân chúng nghèo khổ nhất (nông dân), mà đến nay vẫn chiếm đa số dân số. Ví dụ, bộ phim Avatar được yêu thích ở Nga thì ở Trung Quốc người ta cũng rất thích. Người Trung Quốc tự so sánh mình với dân tộc hoang đường “navi”, bởi vì chính quyền tiến hành chính sách xua đuổi dân chúng khỏi các vùng đất quê hương để dành chỗ cho các dự án xây dựng quy mô. Tạm thời sự bất mãn được bù đắp bởi khả năng tìm việc làm ở các thành phố.

- Sự gia tăng chủ nghĩa hưởng lạc, sự phân hóa “những người Trung Quốc mới”.


- Ngày càng nhiều hơn du thuyền, casino, hàng xa xỉ. Trung Quốc đang dần dần để cho các loại vi rus hủy diệt - những người có triệu chứng thoái hóa (chuyển giới, đồng tính nam) nhận được ngày càng nhiều tự do. Tham nhũng gia tăng trong bộ máy đảng và nhà nước, sự thật tạm thời bị kiềm chế bởi các cuộc xử bắn công khai.

- Sự gia tăng bạo lực tự phát, nhất là đối với trẻ em (một dấu hiệu rất xấu, khi thái độ đối với trẻ em là rất đáng lo ngại), nói lên sự gia tăng tiêu cực trong thế giới tiềm thức của văn minh Trung Quốc.




Những lối thoát

- Tìm kiếm những con đường hòa bình để chuyển sang giai đoạn “Đại hài hòa”. Điều đó chỉ có thể với thiện chí của giới tinh hoa Trung Quốc và sự hợp tác rất chặt chẽ với nền văn minh Nga. Nhưng xét tới yếu tố bản thân Nga cũng đang đi tìm kiếm… thì…

- Bành trướng ra ngoài, kể cả bành trướng quân sự, để kéo dài quãng thời gian của giai đoạn “tăng trưởng” cần có những vùng lãnh thổ mới và các nguồn tài nguyên - đặc biệt gay gắt là vấn đề nước sạch và đất nông nghiệp.

Các dấu hiệu Trung Quốc chuẩn bị bành trướng quân sự

- Chạy đua vũ trang: Từ một nước thường thường bậc trung về quân sự, trong vòng 20 năm, Trung Quốc đã trở thành cường quốc số 2 về quân sự. Các chuyên gia quân sự Bắc Mỹ đã lo lắng nói rằng, chẳng bao lâu nữa Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về sức mạnh và số lượng vũ khí hiện đại.

- Trung Quốc đang chuẩn bị cho quân đội của họ thực hiện các cuộc tấn công trên bộ - các binh đoàn lục quân hùng mạnh, với một số lượng lớn binh khí nặng, cũng như cho cuộc xung đột với một địch thủ công nghệ cao - họ đang cấp tốc hoàn thiện hạm đội, đóng các tàu sân bay, phát triển phòng không, vũ khí chống hạm, không quân, vũ khí phòng thủ vũ trụ.

- Các nước láng giềng của Trung Quốc đẩy mạnh đột biến hiện đại hóa quân đội.


- Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ (tất cả các nước này đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, điều có thể trở thành cái cớ cho một cuộc chiến tranh lớn). Chỉ có Nga là đang “ngủ”.

- Trên báo chí và trong giới quân sự Trung Quốc, người ta đã nói đến sự cần thiết bành trướng để nhà nước sống còn.

- Trong những bộ phim Trung Quốc mới đây, thấy rõ hình ảnh kẻ thù là “người da trắng” và ít hơn là người Nhật.


Thái độ đối với Mỹ

Trung Quốc cho rằng, nước Mỹ ốm yếu và không làm nổi vai trò lãnh đạo và thấy rằng, đang có một “cuộc cải tổ” chờ đợi nước Mỹ. Giới tinh hoa Trung Quốc hiểu rằng, quân đội Mỹ sẽ không “chịu nổi” một cuộc chiến tranh cổ điển và không dám mở một cuộc chiến tranh lớn vì Đài Loan. Mặc dù họ sẽ vẫn ủng hộ “các đồng minh” châu Á (về mặt ngoại giao, có thể là bằng vũ khí, tài chính). Ngoài ra, Trung Quốc còn là “công xưởng” của Mỹ, là chủ nợ trái phiếu lớn nhất của Mỹ, chiến tranh với Trung Quốc, nhất là chiến tranh “thật” sẽ mang lại những tổn thất to lớn cho Mỹ.

Bởi vậy, cũng như Anh và Pháp trước Thế chiến II, Mỹ sẽ nín nhịn đến cùng trước sự bành trướng của Trung Quốc sang các nước láng giếng. Hơn nữa, một cuộc chiến tranh ở châu Á cũng sẽ có lợi cho giới tinh hoa Mỹ vì thế giới sẽ quên đi các vấn đề của họ.

Các tuyến đường biển vận chuyển nguyên liệu cho công nghiệp Trung Quốc. 
Giống như nhiều cường quốc công nghiệp, Trung Quốc rất nhạy cảm với hoạt động 
của các tuyến đường biển này
Những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc

Theo quan niệm địa-chính trị cổ Trung Quốc: Trung Quốc là “trung tâm của thế giới, còn vây quanh đế chế Trung Hoa là “man di” và “mọi rợ”, những người phải cống nộp cho thiên triều. Trung Quốc vốn rất bảo thủ ở nhiều vấn đề, quan niệm này đã được xem xét lại và hiện đại hóa ở nước Trung Hoa cộng sản.

Mao Trạch Đông nói: “Chúng ta nhất định phải giành lấy Đông Nam Á, kể cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia, Singapore... Một khu vực như Đông Nam Á rất giàu có, ở đó có nhiều khoáng sản, nó hoàn toàn đáng bỏ công của ra để giành lấy nó. Trong tương lai, nó sẽ rất có lợi để phát triển công nghiệp Trung Quốc. Như vậy, sẽ có thể bù đắp toàn bộ những thiệt hại. Sau khi chúng ta giành được Đông Nam Á, ở khu vực này sẽ có thể tăng cường các lực lượng của chúng ta …” (năm 1965); “Chúng ta phải chinh phục trái đất... Theo tôi, quan trọng nhất là chinh phục trái đất chúng ta, nơi chúng ta sẽ thiết lập một cường quốc hùng mạnh”.

Danh sách “các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất” rất dài: Miến Điện, Lào, Việt Nam, Nepal, Butan, Bắc Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Triều Tiên, quần đảo Ryukyu, hơn 300 hòn đảo ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải, Kirgyzya, một phần Tadjikistan, Nam Kazakhstan, tỉnh Badah Shan của Afghanistan, Mông Cổ, vùng Ngoại Baikal và Nam Viễn Đông cho đến tận Okhotsk của Nga.

“Các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất” là hơn 10 triệu km². Các vùng lãnh thổ đó lớn hơn lãnh thổ Trung Quốc (9,6 triệu km²) hơn 2 lần. Sau Мао, các nhà lãnh đạo Trung Quốc “nguội đi” và không nêu ra những yêu sách như thế, nhưng quan niệm lịch sử thì họ vẫn giữ.

Và không nên nghĩ là Trung Quốc quên lãng những gì mà họ cho là của họ - họ đã lấy lại Hongkong (thuộc Anh đến năm 1997), Macao (thuộc Bồ Đào Nha đến năm 1999), đã nuốt được một phần lãnh thổ Nga (năm 2005 - 337 km²), 1.000 km² của Tadjikistan (tháng 1.2011, Trung Quốc yêu sách 28.000 km²). Trung Quốc càng mạnh và các nước láng giềng càng yếu bao nhiêu thì “sự thèm muốn” càng lớn bấy nhiêu.

Niềm tin vào phương cách ngoại giao cũng là đáng ngờ. Trung Quốc đã không chỉ một lần, trước khi trở thành cường quốc số 2, xung đột vũ trang với các nước láng giềng: 2 cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ (1962, 1967), xung đột biên giới Trung-Xô (1969), chiến tranh với Việt Nam (1979), 2 cuộc xung đột biên giới với Việt Nam (1984, 1988), 3 cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Trung Quốc “đã nuốt chửng” 3 vùng lãnh thổ vốn không phải là bộ phận của nền văn minh Trung Hoa là Đông Turkestan (chiếm vào thế kỷ XVIII), Nội Mông (chiếm hẳn sau Thế chiến II) và Tây Tạng (thập niên 1950).


                                             3 tranh chấp lãnh thổ chủ yếu của Trung Quốc:

                                                (1) Biên giới trên bộ với Ấn Độ và Butan; 
                                                (2) Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Việt Nam; 
                                                (3) Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Nhật Bản.

Nhật Bản
Ở Trung Quốc, người ta có thái độ rất tiêu cực đối với Nhật Bản, nguyên nhân rất khách quan, cuối thế kỷ XIX-nửa đầu thế kỷ XX, Nhật Bản đã tham gia cướp bóc Trung Quốc cùng với phương Tây. Nhật đã 2 lần tấn công Trung Quốc và trong những năm Thế chiến II đã thực hiện một cuộc diệt chủng thực sự ở miền bắc Trung Quốc, hàng triệu người Trung Quốc bị giết (không có con số chính xác). Hơn nữa, Nhật Bản đến nay vẫn không chính thức xin lỗi về chính sách của chính phủ thời đó.

Họ có tranh chấp lãnh thổ về quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông mà Nhật Bản chiếm giữ năm 1895. Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản đã đến lúc trả lại các vùng lãnh thổ “lâu đời của Trung Quốc” và công khai tuyên bố về vấn đề này vào năm 1992. Năm 1999, tình hình thêm căng thẳng vì tại thềm lục địa đã tìm thấy các trữ lượng khí đốt lớn và cả hai nước đã chuẩn bị khai thác chúng.
Cuối năm 2010, Nhật Bản thậm chí đã xem xét lại chiến lược quân sự, trong đó nguy cơ chủ yếu đối với Nhật được nêu ra không phải là Nga mà là vấn đề CHDCND Triều Tiên và cuộc chạy đua vũ trang do Trung Quốc phát động. Bởi vậy, Nhật Bản dự định tăng cường hạm đội tàu ngầm, hải quân, không quân và củng cố quan hệ hữu nghị với Mỹ.

Bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên từ thời cổ đại bị coi là “thuộc quốc” của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc ủng hộ chế độ CHDCND Triều Tiên và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với cả 2 nước Triều Tiên. Nhưng không biết Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào nếu trên bán đảo bùng nổ nội chiến và chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ. Một phương án có khả năng là Trung Quốc chiếm đóng Bắc Triều Tiên.

Đài Loan
Được coi là một bộ phận không thể chia cắt của Trung Quốc thống nhất. Từ năm 1992-1999, hai bên đã đàm phán tái thống nhất, song đổ vỡ vì lãnh đạo Đài Loan tuyên bố, Trung Quốc và Đài Loan là “2 nước ở 2 bờ eo biển Đài Loan”.

Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị giải pháp quân sự cho vấn đề Đài Loan. Mỹ và Nhật Bản hiện ủng hộ Đài Loan, Mỹ vũ trang cho quân đội Đài Loan. Nhưng điều gì sẽ diễn ra nếu Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng hoặc một cuộc chiến tranh nữa (Iran, Pakistan…). Mỹ sẽ không thể bảo vệ Đài Loan, không đủ nguồn lực, hơn nữa công chúng Mỹ sẽ không hiểu: bảo vệ người Trung Quốc khỏi người Trung Quốc để làm gì.

Giới tinh hoa Đài Loan đang tăng cường quân đội: hải quân, phát triển máy bay không người lái, tên lửa chống hạm, phòng không, đề nghị Mỹ bán các máy bay tiêm kích mới.

Vấn đề các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa là quần đảo nhỏ ở Biển Đông, bị Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974, ngoài Việt Nam, Đài Loan cũng yêu sách quần đảo này.
Quần đảo Trường Sa nằm ở Tây Nam Biển Đông, gồm hơn 100 hòn đảo nhỏ, bãi đá ngầm và đảo san hô vòng, tổng diện tích dưới 5 km². Tổng diện tích khu vực này là hơn 400.000 km². Tranh chấp khu vực này là 6 quốc gia - Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Brunei.

Nguyên nhân xung đột là vị trí quan trọng chiến lược của quần đảo, khu vực này giàu tài nguyên sinh học và có thể có những mỏ dầu và khí đốt trữ lượng lớn.

Một phần quần đảo do các đơn vị quân đội Việt Nam đóng giữ, một phần bị chiếm giữ bởi các đơn vị Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan. Thường xuyên xảy ra những cuộc đụng độ nhỏ, năm 2008, Philippines tuyên bố, họ sẽ “chiến đấu đến người thủy binh và lính thủy đánh bộ cuối cùng” vì quần đảo Trường Sa. Có khả năng xảy ra chiến tranh lớn. Cả 6 quốc gia trong những năm gần đây đều tăng cường quân đội, nhất là hải quân, hạm đội tàu ngầm, không lực hải quân được chú ý hơn.

Việt Nam
“Cựu” địch thủ của Trung Quốc, từng bị Trung Quốc đô hộ 1.000 năm, cho đến thế kỷ X. Là đối thủ của Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Khi Việt Nam còn là đồng minh của Liên Xô, thì không có nguy cơ lớn đối với Việt Nam, nhưng hiện nay, nguy cơ tăng mạnh. Ban lãnh đạo Việt Nam đang tăng cường quân đội, tìm kiếm các quan hệ với Mỹ (có tin đồn, thậm chí Việt Nam sẵn sàng cho Mỹ sử dụng Cam Ranh làm căn cứ quân sự), cũng cố quan hệ hệ tác với Ấn Độ.

Ấn Độ
Trung Quốc coi bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ là một phần của Nam Tây Tạng và nghĩa là một phần lãnh thổ của mình. Ấn Độ muốn Trung Quốc trả lại vùng lãnh thổ Aksai Chin. Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế, quân sự với Pakistan, Bangladesh, những nước về lịch sử và văn hóa là một bộ phận của nền văn minh Ấn Độ. Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng ở các nước giáp giới Ấn Độ mà giới tinh hoa Ấn Độ coi là vùng ảnh hưởng của mình là Nepal, Butan, Sri Lanka.

Ấn Độ cũng không thích thú gì việc Trung Quốc chiếm giữ Tây Tạng. Đáp lại, Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh quân đội, tăng cường hợp tác với Mỹ, Nga. Khả năng xảy ra chiến tranh lớn bị hạn chế bởi sự hiểm trở của biên giới Trung-Ấn, núi non.

Afghanistan
Trung Quốc coi tỉnh Badah Shan là lãnh thổ “lâu đời của Trung Quốc”. Nhưng trong khi chiến tranh liên miên diễn ra ở Afghanistan, Trung Quốc chú ý hơn đến bành trướng kinh tế. Rõ ràng là khi Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan, Trung Quốc sẽ là “anh cả” ở khu vực này và sẽ giành được những tài nguyên họ cần mà không cần chiến tranh. Afghanistan bị tàn phá, nước này cần những khoản đầu tư lớn vào hạ tầng, mà Trung Quốc thì có tiền.

Tadjikistan
Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với 28.000 km² ở khu vực Đông Pamir. Tháng 1.2011, Tadjikistan đã nhượng 1.000 km² lãnh thổ tranh chấp cho Trung Quốc. Xét tới tiềm lực quân sự thực tế là bằng không so với Trung Quốc của Tadjikistanа, thì sớm hay muộn, nước này cũng phải giao nộp toàn bộ các lãnh thổ “tranh chấp” cho Trung Quốc, thậm chí cả các vùng lãnh thổ khác nữa (xét tới khả năng nội chiến ở nước này). Lối thoát duy nhất đối với Tadjikistan là trở lại trong thành phần nước Nga.

Kirgyzya
Năm 1996 và 1999, Kirgyzya đã cắt cho Trung Quốc gần 12 km² lãnh thổ và tạm thời Trung Quốc bằng lòng với điều đó. Nhưng xét tới tình hình khốn khó của Kirgyzya: các khó khăn kinh tế, quân đội yếu ớt, xung đột sắc tộc (giữa những người dân tộc Kirgyz và Uzbek), khả năng hỗn loạn lan sang từ Afghanistan, Kirgyzya sẽ không tránh khỏi số phận “miếng mồi” của kẻ mạnh. Giống như đối với Tadjikistan, trong hoàn cảnh khủng hoảng thế giới, cách cứu vãn dân tộc duy nhất để khỏi bị “Trung Quốc hóa” hoặc Hồi giáo cực đoan hóa là quay trở lại thành phần nước Nga.

Kazakhstan
Năm 1992-1999 đã diễn ra một quá trình đàm phán ngoại giao, kết quả là Trung Quốc giành được 407 km² lãnh thổ Kazakhstan. Trung Quốc không còn nêu ra vấn đề lãnh thổ nữa và nó được coi là đã giải quyết xong. Nhưng Kazakhstan dân cư thưa thớt, tiềm lực quân sự yếu, biên giới với Trung Quốc dài (hơn 1.700 km) và cách Trung Quốc ứng xử khi cần sống sót là điều dễ hiểu.

Mông Cổ
Nước này được coi là sự tiếp tục của khu vực Nội Mông và tương ứng là sự tiếp tục tự nhiên của Trung Quốc. Trong thế kỷ XX, Trung Quốc đã không nuốt chửng được nước này chỉ là nhờ sự bảo trợ của Liên Xô hùng mạnh. Mông Cổ đáng quan tâm đối với Trung Quốc ở chỗ với diện tích lớn, nước này gần như không có dân cư (2,7 triệu người), không có quân đội thực sự (gần 9.000 quân).

Nga
Năm 1991, М. Gorbachev ký hiệp ước, theo đó biên giới chạy theo giữa lòng sông Amur. Trước đó, biên giới chạy theo bờ sông Amur, bên phần đất Trung Quốc. Năm 2004-2005, V. Putin đã cắt cho Trung Quốc 337 km² lãnh thổ Nga. Tại đây, vấn đề lãnh thổ dường như đã được giải quyết, nhưng “sự thèm ăn thức tỉnh trong khi ăn”. Trung Quốc đang đứng trước ngã ba đường và nếu như họ chọn bành trướng ra bên ngoài thì Nga sẽ là “đối tượng” có khả năng nhất. Tạm thời, Trung Quốc hạn chế ở việc chiếm lĩnh về kinh tế các vùng lãnh thổ Nga và di dân đến các vùng lãnh thổ hầu như trống rỗng của Siberia và Viễn Đông.

Những nạn nhân đầu tiên có khả năng nhất của sự bành trướng của Trung Quốc

Những nạn nhân đầu tiên của Trung Quốc rõ ràng sẽ là:

- Đài Loan: Theo lập trường nguyên tắc của Trung Quốc thì Đài Loan là bộ phận của nền văn minh Trung Hoa. Nhưng cũng có khả năng cho lối thoát hòa bình nếu như giới tinh hoa Đài Loan kìm nén được các tham vọng của mình. Nếu như xảy ra một chiến dịch quân sự thì nạn nhân sẽ nhiều, nhưng thiết nghĩ Mỹ và phương Tây sẽ chỉ làm ầm ĩ, chứ sẽ không thực sự tham chiến.

- Các nước phía Bắc: Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kirgyzya, do đây là những vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt, có nguồn tài nguyên lớn và tiềm lực quân sự yếu (các đơn vị quân đội chủ yếu của Nga bố trí ở phía Tây, nên Trung Quốc sẽ kịp giải quyết xontg tất cả các vấn đề nhằm chiếm giữ Siberia và Viễn Đông của Nga trước khi các đơn vị đó kịp tới khu vực chiến sự).

- Tấn công Ấn Độ không hấp dẫn Trung Quốc vì chiến trường không thích hợp (vùng núi), về quân số, quân đội Ấn Độ và dự trữ nhân lực của nước này cũng gần như của Trung Quốc. Trung Quốc có thể mở chiến dịch hạn chế chống Ấn Độ để yểm trợ cho đồng minh Pakistan một khi Ấn Độ tấn công Pakistan.

- Chiến tranh với Việt Nam hay bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào là bất lợi. Nguồn dự trữ nguyên liệu của các nước này hạn chế, có dân số đông, quân đội mạnh. Bởi vậy, các nước này sẽ được Trung Quốc để lại sau, họ có thể khuất phục mà không cần chiến tranh, một khi thấy số phận của các láng giềng phía Bắc của Trung Quốc, họ sẽ tự nguyên trở thành “chư hầu” của Trung Quốc.

- Nhật Bản rõ ràng sẽ là nạn nhân cuối cùng, bởi lẽ tiến hành chiếm đóng bằng đường biển là khá phức tạp. Nhưng xét tới sự thù ghét của người Trung Quốc đối với người Nhật thì số phận của họ sẽ rất bi thảm, dân cư quần đảo Nhật sẽ giảm mạnh.

Đặc điểm của sự bành trướng này là giới tinh hoa Trung Quốc sẽ không tiếc lính, tiếc vũ khí trang bị để thực hiện. Trung Quốc đang có cuộc khủng hoảng nhân khẩu nghiêm trọng, “sự già hóa” dân cư và dư thừa thanh niên, thiếu nữ giới. Càng có nhiều người mất mạng trên chiến địa càng tốt, “ung nhọt” căng thẳng xã hội trong nội địa Trung Quốc sẽ xẹp xuống. Còn nhu cầu sản xuất hàng loạt vũ khí trang bị sẽ có lợi cho nền kinh tế.

Nga có thể làm gì để tự cứu mình?

- Về mặt ngoại giao, ủng hộ việc tái thống nhất hòa bình Hoa lục và đảo Đài Loan.

- Tăng khối lượng hợp tác kinh tế. Khủng hoảng và những chấn động xã hội ở Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy sự khởi đầu của quá trình bành trướng bằng vũ lực đã rất gần. Nga cần nền hòa bình ở Trung Quốc và sự phát triển kinh tế, văn hóa của dân cư nước này. Cần có sự bành trướng văn hóa Nga - tiếng Nga, điện ảnh, giáo dục, văn hóa.

- Liên minh chiến lược với Ấn Độ, thừa nhận các bộ phận của nền văn minh Ấn Độ là Pakistan và Bangladesh là thuộc về Ấn Độ. Tương trợ nhau trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược.

- Hợp tác kỹ thuật quân sự và kinh tế rộng lớn với Mông Cổ, hai nước Triều Tiên, các nước Đông Nam Á. Nối lại liên minh với Việt Nam.

- Lập tức khôi phục Hạm đội Thái Bình Dương, tăng cường mạnh mẽ lực lượng quân đội đóng tại Viễn Đông.

- Có chương trình quy mô lớn tái chinh phục Siberia và Viễn Đông (có thể lấy các kết quả nghiên cứu của Y. Krupnov làm cơ sở), giải quyết sự mất cân bằng nhân khẩu, khi mà phần lớn dân số Nga sống ở phần châu Âu của nước Nga. Có chương trình hỗ trợ sinh đẻ cho người Nga và các dân tộc bản địa ở Siberia và Viễn Đông (không dưới 3-4 con/1 gia đình).

- Giới tinh hoa Nga cần phải thể hiện ý chí sinh tồn bằng cách ngầm cảnh cáo Trung Quốc rằng, xâm phạm đất đai và khu vực ảnh hưởng của Nga (Kazakhstan, Kirgyzya, Tadjikistan, Mông Cổ) có thể dẫn tới đòn đánh hạt nhân hạn chế nhằm vào các thành phố duyên hải phồn vinh của Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:
1 - Vasiliev L.S. Trung Quốc cổ đại, 3 tập.-М., 1995-2006.
2 - Galenovich Yu.M. Các tác giả của tuyển tập “Trung Quốc bất bình” viết về cái gì.-М., 2010.
3 - Krupnov Yu. Mặt trời ở Nga mọc từ hướng Đông.-М., 2007.
4 - Kulpin E.S. Con người và thiên nhiên ở Trung Quốc.-М., 1990.
5 - Nepomnin O.E. Lịch sử Trung Quốc: Thời Thanh. Thế kỷ XVII-đầu thế kỷ XX.-М., 2005.
6 - Những yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh: Lịch sử và hiện tại.-М., 1979.

Nguồn: Về vấn đề bành trướng ra ngoài của con rồng vàng / Aleksandr Samsonov // TW, 25.1.2011.



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Viewers come from..

free counters