Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Một nốt trầm xao xuyến/Tan biến trong hòa ca.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Cơ hội ... Vàng

Hiện tượng

Theo niêm yết của các công ty kinh doanh vàng trong nước thì vào thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới (đã quy đổi sang tiền Việt) đang cao hơn so với giá vàng trong nước.

Hình trên chụp từ website của Công ty CP Vàng Bạc Đá quý SJC Hà Nội.

Theo niêm yết của website này, vào lúc 15h49 ngày 27/4/2011, giá vàng SJC trong nước bán ra là 37,460 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1,643 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (đã quy đổi thành tiền Việt - được niêm yết với giá 39,103 triệu đồng/lượng).

Đây là điều hiếm khi xảy ra kể từ khi kinh tế Việt Nam mở cửa với kinh tế thế giới.

Theo quy luật "bình thông nhau", thông thường, giá vàng trong nước luôn tuân theo sự thay đổi và bắt kịp (có nhỉnh hơn một chút) so với giá vàng thế giới.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, quy luật ấy đã không còn được tuân theo. 

Lý giải


Giải thích về điều này, người viết cho rằng đó chính là hệ quả của chính sách kiểm soát từ phía Nhà nước đối với hoạt động buôn bán vàng trong nước thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh kiềm chế lạm phát, vàng là một thứ tài sản không được khuyến khích nắm giữ. Vàng vốn là một loại tiền tệ được quy ước trên toàn thế giới. Khi nền kinh tế quốc gia kém ổn định, sức mua của đồng nội tệ bị ảnh hưởng, người dân có xu hướng nắm giữ ngoại tệ mạnh hoặc vàng. Nếu để người dân có tâm lý nắm giữ hoặc thanh toán giao dịch bằng ngoại tệ và vàng thay cho đồng tiền nội tệ, thì đồng nội tệ sẽ càng trở nên mất giá, khiến lạm phát càng gia tăng.

(Chúng ta biết lạm phát là một hiện tượng kinh tế, xảy ra khiến cho giá cả hàng hóa sản phẩm dịch vụ tăng cao, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế).

Để góp phần kiềm chế lạm phát thông qua kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thông tin tới người dân những chính sách dự kiến nhằm thắt chặt hoạt động kinh doanh này.

Như chúng ta thấy, hệ quả của hoạt động truyền thông này là đã tạo ra những tác động nhất định tới tâm lý của người dân và đối với giá vàng trong nước.

Cơ hội

Duy trì kiểm soát giá vàng, nhất là trong bối cảnh xảy ra lạm phát là điều cần thiết. Tuy vậy, người viết (và một số người bạn của mình) cho rằng tình hình giá vàng trong nước chênh lệch so với giá vàng trên thế giới theo chiều hướng thấp hơn nhiều như hiện nay sẽ không thể kéo dài.

Chúng ta đã thấy hoạt động xuất lậu xăng dầu qua biên giới, khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn so với giá xăng dầu khu vực.

Để giá vàng trong nước thấp hơn so với giá vàng thế giới, chiếc lò xo "giá vàng trong nước" đang bị nén ?

Vấn đề là tới khi nào, giá vàng trong nước bắt kịp trở lại với mặt bằng giá vàng thế giới ?

Người viết cho rằng mốc kết thúc quý II năm 2011 là rất đáng chú ý.

Đây là thời điểm hoạt động bầu cử Quốc hội tại Việt Nam đã hoàn tất (Chúng ta biết rằng trước mỗi hoạt động lớn của quốc gia, việc ổn định mọi mặt hoạt động xã hội là điều cần thiết).

Thời điểm cuối quý II năm 2011 cũng lúc dự kiến lạm phát sẽ được kiểm soát.

Khi đó, những chính sách thắt chặt đối với nền kinh tế cần trở nên linh hoạt hơn. Dẫu sao, mục tiêu dài hạn đối với mọi nền kinh tế vẫn là sự tăng trưởng. Trong bối cảnh các chính sách thắt chặt đã được nới lỏng như vậy, sự bất hợp lý trong việc để giá vàng trong nước thấp hơn mặt bằng giá vàng thế giới cũng sẽ sớm kết thúc.

Và với sự thay đổi ấy, thành quả sẽ tới với những người mà vào thời điểm hiện tại, đang nắm giữ một số lượng vàng nhất định với mức giá thấp hơn so với thế giới ???!

Chúng ta hãy cùng chờ đợi !

Trương Chi 


"...Hà Nội không vội được đâu.." (Chiều 27/4/2011)


Trương Chi

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Chế quạt chống mất điện


Cách làm: đơn giản, cần 3 món đồ sau:

1. Quạt gắn trên ô tô, 12v. Giá: 120k. Gợi ý nơi bán: Chợ Giời (Hà Nội)


2. Ắc-quy khô, đương nhiên là 12v. Cùng với đó là số Ah, nếu số Ah càng cao thì quạt chạy càng lâu.
Gắn 2 đầu dây quạt vào 2 cực của ắc-quy là quạt chạy. Nếu cánh quạt quay ngược chiều thì đổi cực.
Lão đang dùng thử con ắc-quy của xe máy, 12v-5Ah, quạt chạy phăm phăm liên tục 4 giờ.
Giá: 200k. Gợi ý nơi bán: Hòa Mã (Hà Nội), hoặc ở đâu cũng sẵn.
(Cụ nào căn cơ và thích hý hoáy thì lôi ắc-quy xe máy của mình đang chạy ra mà xài.)


3. Xạc ắc-quy: Giá 150k. Gợi ý nơi bán: Chợ Giời (Hà Nội).


Vì ở đây là xạc ắc-quy 12v nên trước khi xạc phải bật công tắc sang 12v. Cũng phải lưu ý kẹp xạc đúng cực trước khi xạc. 
Kẹp sai thì toi cơm cả củ xạc lẫn ắc quy.
Xạc khoảng 15 - 20 phút là ắc-quy đầy, cái này là điểm tiện lợi hơn so với những đồ sạc điện khác.
(Tất nhiên với các cụ lôi ắc-quy ở con xe máy của mình ra để xài thì chả có công đoạn này).

Tác dụng:
- Quạt chạy điên loạn và bền bỉ. Mùa mất điện dùng món này thì có thể đỡ bớt cái cảnh nheo nhóc: trẻ con khóc vì rôm, bố mẹ mất ngủ để quạt cho con.
- Quạt thổi gió tương đương với đám quạt sạc khác, nhưng số giờ lâu hơn, với cùng 1 loại ắc-quy.
- Giá thành "hạt dẻ" hơn so với đám quạt sạc khác. Dễ thay ắc-quy.

Tác dụng phụ: khi "vận hành" quạt kêu rất to, chống chỉ định với những người thà chịu đựng nóng nực hơn tiếng ồn. 
(Có thể ngâm cứu xiết chặt các ốc vít hoặc tìm cánh quạt phù hợp lắp để giảm ồn).

Tin giờ chót: Thị trường Hà Nội đã xuất hiện quạt tự xưng là Điện cơ, 12v, xài cho trường hợp này, nhiều kiểu dáng. Người bán hàng cũng tư vấn nếu dùng ắc-quy 12v-7,5Ah thì quạt của họ có thể chạy từ 7 - 10 giờ liên tục.


Hi vọng mùa hè năm nay bà con ta ít phải dùng tới cái chiêu này.

Trương Chi

("Phát minh" thuộc về 1 đồng chí thợ sửa xe máy ở Nguyễn Tuân, Hà Nội.
Trương Chi thực hành và publish).

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Tang thương ?


"Tang thương gia đình nạn nhân trên cầu Ghềnh" (Vnexpress.net ngày 07/2/2011)

"Tang thương vụ đánh bom rúng động Belarus" (Vietnamnet.vn ngày 13/4/2011)

"Tang thương trùm xóm nhỏ" (Thanhnienonline.vn ngày 04/3/2011 - viết về vụ sập núi Lèn Cờ)

"Tang thương vùng quê có 9 ngư dân mất tích trên biển" (Dantri.com.vn ngày 19/01/2011)........

Như thế có thể hiểu từ này đang được dùng để mô tả sự đau buồn, mất mát sau mỗi sự kiện hoặc thảm họa mà đã gây thiệt hại lớn về người.

Vậy "Tang thương" = "tang tóc" và "đau thương" ???

Cụ Google Dịch thì quy "Tang thương" thành "Miserable", nghĩa là cực khổ, khốn khổ, cùng khổ, đáng thương....

 .............

Thế mà có nhiều người đã từng biết tới từ "tang thương" vốn là để chỉ sự thay đổi (hình ảnh "Thương hải tang điền" : sau mấy trăm năm, cảnh vật đã thay đổi, biển cả nay đã thành nương dâu).

Như "Tang thương ngẫu lục" (Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án) là tác phẩm để ghi chép một cách ngẫu nhiên về cuộc thay đổi, bể dâu.

"Sóng về đâu" của Trịnh Công Sơn cũng có dùng câu ... cạn suối nguồn, bốn bề nương dâu....


Thế là bây giờ "tang", cây dâu, đã biến thành .... tang tóc và "thương", biển rộng, đã biến thành ... thương đau ???

Các bác "phóng viên" đã góp phần làm cho nghĩa của từ gốc ấy mất đi rồi !

Ngôn ngữ biến đổi ... tang thương quá !

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Viewers come from..

free counters